Ван Йен развивает туризм, связанный с лекарственными травами: новое направление, уникальная идентичность

Việt NamViệt Nam06/02/2025


YênBái - Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phong phú đã tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Văn Yên phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây dược liệu quý. Ngoài du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng… thì Văn Yên đã và đang chú trọng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với khai thác các vùng dược liệu.

Du khách tắm suối nước nóng tại thôn Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.
Du khách tắm suối nước nóng tại thôn Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.

>> Văn Yên lấy du lịch sinh thái, văn hóa làm chủ đạo
>> Văn Yên khai thác tiềm năng để phát triển du lịch

Nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu có 30 loại cây dược liệu quý hiếm như: sa nhân, hà thủ ô, kim ngân, thảo quả, lông cu ly, đinh lăng, lạc tiên… Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp gắn với khai thác vùng dược liệu, xã tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên nền tảng số; kêu gọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch, các lễ hội lớn; khuyến khích các hộ dân phát triển mô hình du lịch homestay trải nghiệm. 

Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hiện nay, Nà Hẩu đã phát triển được 5 mô hình du lịch cộng đồng homestay. Các mô hình tập trung khai thác thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp, phục vụ tốt du khách trong việc lưu trú, tham quan, trải nghiệm. Năm 2024, xã đón gần 8.000 lượt du khách, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng”. 

Huyện Văn Yên có tiềm năng, lợi thế khi có vùng dược liệu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên xã Nà Hẩu, vùng dược liệu cây cà gai leo ở xã Đông An, vùng dược liệu cây giảo cổ lam ở xã Tân Hợp… và đặc biệt là cây quế được trồng ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nhiều kiến thức về cây thuốc, phương pháp chế biến và sử dụng. 

Tại các vùng dược liệu luôn có núi rừng, sông suối, thác nước... tạo nên cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là điểm đến hấp dẫn du khách. Những năm qua, Văn Yên đã có những bước đi đầu tiên trong việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với dược liệu. Một số sản phẩm du lịch đã được hình thành như tour tham quan vườn dược liệu, trải nghiệm quá trình chế biến dược liệu, tắm thuốc, thưởng thức các món ăn từ dược liệu... 

Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP liên quan đến dược liệu đã được xây dựng và quảng bá, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân như: cao cà gai leo CND dạng gel uống liền của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Yên Bái, xã Đại Phác; tinh dầu quế nguyên chất của HTX Dịch vụ tổng hợp Thác Tiên, xã Mỏ Vàng; cà chua trái vụ của HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp; tinh dầu quế của HTX Lâm Phương Linh, xã Đại Phác; bưởi da xanh Lâm Giang của Tổ hợp tác Trồng bưởi xã Lâm Giang; tinh dầu thực vật, tinh dầu quế Đại Phú An, tinh dầu sả chanh Đại Phú An của Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An; bột quế Phương Nhung của Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung Văn Yên… Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch dược liệu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ như: Công ty cổ phần Nam dược Đại Phú An, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Yên Bái. 

Ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Năm 2025, huyện tập trung phát triển dịch vụ tắm lá thuốc tại khu suối nước nóng thôn Cao Sơn, thôn Bản Lùng, thôn Làng Than, xã Phong Dụ Thượng và tại xã Viễn Sơn, Đại Sơn, là nơi có rất nhiều loại cây thuốc quý; tổ chức các lễ hội văn hóa gắn liền với dược liệu; phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn dịch vụ theo quy định; xây dựng thêm thương hiệu du lịch đặc trưng; tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch, sử dụng các kênh truyền thông hiện đại để quảng bá; hỗ trợ các hộ sản xuất dược liệu nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; tạo điều kiện để các hộ sản xuất liên kết với nhau và với các doanh nghiệp du lịch nhằm quảng bá sản phẩm”.

Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với khai thác vùng dược liệu đã mở ra hướng đi mới để phát triển kinh tế - xã hội của Văn Yên. Năm 2024, huyện đón 235.000 lượt khách lưu trú, doanh thu đạt 255 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch. Để loại hình du lịch này ngày càng phát triển, Văn Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên các kênh truyền thông, nền tảng số nhằm quảng bá rộng rãi đến nhân dân và du khách. Đồng thời huyện tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng du lịch, thu hút nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tới Văn Yên, du khách có thể trải nghiệm, tham quan vùng dược liệu cây giảo cổ lam xã Tân Hợp đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, tắm lá thuốc tại điểm Du lịch sinh thái - Cộng đồng thôn Khe Cam xã Ngòi A, tắm lá thuốc tại Khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Đại Phú An, thị trấn Mậu A…

Thanh Tân



Nguồn: http://baoyenbai.com.vn/226/345602/Van-Yen-phat-trien-du-lich-gan-voi-vung-duoc-lieu-Huong-di-moi-ban-sac-rieng.aspx

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available