Ông Phan Văn Bịt gầy dựng vườn na diện tích 7 ha, trung bình mỗi trái nặng 500-700 gram, cho năng suất trên 300 tấn, thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm.
Những ngày đầu tháng 2, ông Bịt, 62 tuổi, ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ tất bật cùng gần 10 nhân công chăm sóc, thụ phấn, bón phân, phun thuốc, tưới nước, thu hoạch trên diện tích mảnh vườn 7 ha na Thái (na hoàng hậu) đang độ tuổi cho trái.
"Dịp Tết này có khoảng năm tấn trái được cung ứng ra thị trường phục vụ người dân chưng trên mâm ngũ quả, với giá 50.000 đồng mỗi kg. Sau đó sẽ có hơn 50 tấn cho dịp rằm tháng Giêng với giá 60.000 đồng mỗi kg", ông Bịt nói và giải thích giá cao đến giữa tháng tư âm lịch vì nguồn cung na hoàng hậu thời điểm này chủ yếu ở miền Tây, không đụng hàng với các vùng miền khác. Các tháng mưa nhiều thì giá thấp (30.000-35.000 đồng mỗi kg) và bắt đầu nhích lên khi vào mùa nắng.
Quệt vội những giọt mồ hôi trên mặt, người nông dân có thân hình rắn rỏi, đi đứng nhanh lẹ cho biết vùng đất phù sa cặp sông Hậu này rất tốt, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, như nhiều nông dân khác, hộ của ông có hàng chục năm trồng dưa hấu, bưởi, nhãn... cho thu nhập cũng chỉ đủ ăn và dư chút đỉnh, còn trồng lúa thì cũng trúng nhưng không đủ chi tiêu trong nhà.
Năm 2014, được sự giới thiệu của người quen, ông Bịt sang thủ phủ cây giống miền Tây tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre mua 250 cây giống na hoàng hậu về trồng xen trong vườn bưởi 7.000 m2 (7 công) của gia đình. Ông cũng là nông dân đầu tiên tại địa phương trồng giống cây ăn trái mới này, trước sự ngờ vực, tò mò từ nhiều người khác.
Sau hai năm chăm sóc, cây bắt đầu cho trái, nhưng do chưa biết cách xử lý cho trái như ý muốn, ông chỉ thu được 5 tấn sản phẩm đầu tiên bán với giá 55.000 đồng mỗi kg.
"Nhiều loại cây ăn quả khác chỉ cần dùng thuốc hóa học để kích ra hoa, đậu trái cho hiệu quả cao. Nhưng đối với na hoàng hậu không thể dùng cách này mà phải có kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán và hỗ trợ thụ phấn bằng cách thủ công mới quyết định sản lượng, hiệu quả", ông nói. Bản thân chủ vườn tự tìm tòi học hỏi trên internet, kết hợp tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các vườn na phía Bắc, căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương mà đưa ra cách xử lý của riêng mình.
"Thời gian thu hoạch và công đoạn hỗ trợ thụ phấn yếu tố then chốt cho sự thành bại của vụ mùa", ông Bịt khẳng định và cho biết hàng năm cần tính toán cho na chín, thu hoạch từ khoảng rằm tháng Giêng đến giữa tháng 4 âm lịch sẽ bán được giá cao.
Với kỹ thuật thụ phấn cho na, nông dân này chọn bông phấn là những bông nở xoè, màu trắng vàng, nhị đực đã chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt. Sau đó ông dùng ống tiêm lấy hạt phấn, đem thụ phấn cho những bông vừa nở, các cánh hoa mới tách ra để lấy trái.
"Phải bơm ống tiêm và xoay đều cho hạt phấn dính vào nhuỵ hoa, khoảng một tuần sau hình thành quả non", ông nói và cho biết do được thụ phấn tập trung nên quả tròn to, cân đối, rất đẹp, trọng lượng 400-700 gram mỗi trái. Quả na từ lúc thụ phấn đến lúc thu hoạch phải mất từ 95-110 ngày. Côn trùng gây hại thường gặp ở na là rệp sáp và nhện đỏ. Ông phải kiểm tra thường xuyên để xử lý sớm, tránh trái bị tấn công dẫn đến dị dạng, giảm chất lượng.
Bằng cách làm này, sang năm thu hoạch thứ hai, chủ vườn thu được 12 tấn, giá bán 60.000 đồng mỗi kg. Sản phẩm chất lượng tốt, thơm ngon, được thương lái đến tận nơi thu mua với giá cao, cung ứng cho thị trường Hà Nội, TP HCM.
Sau đó, gia đình ông quyết định từng bước mở rộng diện tích trồng loại cây cho hiệu quả cao này lên 5 và 7 ha đất, trước đây được trồng dưa hấu, bưởi của gia đình.
Các vụ tiếp theo năng suất, sản lượng thu hoạch tăng dần lên 100, 200 tấn. "Năm 2024, khi toàn bộ 4.500 cây na cho trái, gia đình tôi thu hoạch 250 tấn. Với giá bán bình quân 40.000-45.000 đồng mỗi kg, số tiền thu được khoảng 10 tỷ đồng", ông Bịt nói sau khi trừ chi phí đầu tư (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công lao động...) khoảng 400 triệu đồng mỗi ha, ông thu lãi hơn 6 tỷ đồng.
Hiện nông dân này đã thuê thêm hai ha đất của người dân địa phương để tiếp tục trồng na hoàng hậu, nâng diện tích lên 9 ha. Đồng thời ông cũng bán cây giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các nông dân tại địa phương. Sắp tới, ông hướng đến áp dụng biện pháp sản xuất nông nghiệp sạch để có sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu...
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội nông dân phường Long Hưng, cho biết địa phương có hơn 1.100 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cây ăn trái. Trong đó, có hơn 30 ha trồng na nữ hoàng cho hiệu quả rất tốt, vượt qua xoài, nhãn, cam và gấp 5-10 lần so với trồng lúa. Mỗi công đất trồng na cho lợi nhuận 30-40 triệu đồng mỗi năm trong khi trồng lúa chưa tới 5 triệu đồng. Trong số này, ông Bịt là người tiên phong trồng giống na hoàng hậu cho năng suất, hiệu quả cao nhất.
Theo ông Thắng, cây trồng này mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, thị trường tiêu thụ ổn định. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, địa phương đang khuyến khích thành lập tổ hợp tác, vận động người dân đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, đăng ký vùng trồng, xây dựng thương hiệu để có thể xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Nguồn
Comment (0)