Церемония открытия леса в народных поверьях

Việt NamViệt Nam08/02/2025


(QBĐT) - Mùa xuân là mùa lễ hội, cho nên nhiều lễ hội được tổ chức khắp mọi nơi. Đặc biệt những làng sinh sống ở cạnh rừng có diện tích rừng mình quản lý thì lễ mở cửa rừng rất được coi trọng. Đó cũng là một tập tục thiêng liêng trong tín ngưỡng dân gian, và còn mang ý nghĩa vui xuân.

 

Quảng Bình ngày trước có nhiều làng giữ tập tục của lễ này thành ý thức trong từng người dân, như: Ở Vạn Ninh, Phúc Tín, Thu Thừ, Kim Nại… (Quảng Ninh); Tân Hóa… (Minh Hóa); Tân Trạch, Phúc Trạch… (Bố Trạch); Lệ Sơn, Thạch Hóa... (Tuyên Hóa). Nhiều vùng ở Minh Hóa là những nơi ngày trước hàng năm luôn có lễ mở cửa rừng.

 

Thường năm ra Tết, tiết trời thỉnh thoảng có hơi xuân phủ ấm, cây cối đua nhau nẩy chồi non thay lá mới. Sắc xuân khắp núi rừng từ mọi loài cây cối bừng lên chung hưởng tiết trời xuân sau mùa đông dài buốt giá. Khắp các làng sống gắn bó với rừng, các lão làng coi ngày tốt để chuẩn bị tổ chức lễ.

 

Ở vùng nào cũng vậy, ngày được chọn tổ chức lễ thủ tục gần như giống nhau. Từ sáng sớm, khắp thôn xóm nhộn nhịp, bước chân người náo nức, ai ai cũng đều chọn quần áo đẹp, ăn mặc chỉnh tề, mang hương hoa, oản quả và mâm cỗ của mỗi nhà đến tập trung nơi hàng năm được làng chọn làm khai lễ.

Đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đi hái măng.  Ảnh:  X.Thi
Đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đi hái măng. Ảnh: X.Thi

Lễ mở cửa rừng thường được tổ chức từ sau Tết cho đến hết tháng 2 âm lịch. Như ở Thanh Lạng (Tuyên Hóa) lễ mở cửa rừng thường tổ chức sớm vào ngày mồng 7 tháng giêng. Lễ mở cửa rừng cũng có nơi gọi là lễ khai hạ. Khai hạ cũng là lễ để cầu yên cho toàn dân làng trên guộc đất chung một năm “ăn ra mần đặng”.

 

Vật lễ để cúng trong lễ nhà nào cũng sắm, nhưng không cầu kì mà đơn giản. Cỗ gồm một con gà trống luộc tự mình nuôi, một cỗ xôi nếp tự mình trồng ở rẫy. Gà trống luộc phải là gà chưa đạp mái mới mọc cựa, màu lông vàng tuyền, toàn thân đầy đặn không vệt bầm tím, không sứt sẹo. Người mổ cũng thật tinh xảo tay dao, chỗ cắt tiết khô ráo, xếp cánh cân đối. Khi luộc chín vớt ra gà căng đầy vàng ngậy là tốt. Nếp tạo ra cỗ xôi phải thật dẻo, gạo nếp đâm giã nhiều lần cho trắng và hạt gạo phải nguyên, lấy một nhúm đặt trên bàn tay mở ra trăm hạt như một là được. Hông chín xôi phải giữ độ khô ráo nhưng dẻo mượt là tốt…

Người già các làng truyền lại: Lễ mở cửa rừng có từ rất lâu. Vì con người ngày trước ở đâu cũng sống gắn bó với rừng. Như vậy lễ mở cửa rừng là một trong những lễ nghi được trọng thị và tồn tại lâu đời cùng với tiến trình lịch sử dân tộc. Khi giờ tốt đã xem, đúng giờ là vào lễ.

 

Người cao tuổi nhất làng còn khỏe mạnh vào lễ thắp hương và khấn lễ xin thần linh giữ rừng yên cho dân, cùng dân một năm làm ăn thuận lợi, thịnh đạt, cho gỗ làm nhà, cho gỗ đóng thuyền vượt biển, cho tranh làm mái lợp, cho lá cây làm thuốc chữa bệnh nẫy lá tốt tươi, cho lá gai làm bánh, cho măng, cho nấm làm thực phẩm, cho mây bện võng, cho lạt để buộc phên nhà, gói bánh chưng, củi đốt… Mở cửa rừng còn là để chăm sóc phần rừng tự trồng của từng gia đình nhận đất khoán sản phẩm như rừng keo, rừng bạch đàn, rừng cao su, rừng tre nứa…

 

Ngày nay chúng ta biết, lễ mở cửa rừng nhiều nơi còn giữ và xem như là một tục lệ tín ngưỡng đẹp, giàu tính nhân văn từ lâu đời. Sau lễ người dân làng vào rừng, từng bước leo dốc cao đã cảm nhận được giây phút thiêng liêng thuần khiết giàu tính dân dã và đầy nghĩa trọng với con người, để rồi mọi người đều có thêm ý thức bảo vệ rừng quê nhà.

Văn Tăng

(Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian)



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/le-mo-cua-rung-trong-tin-nguong-dan-gian-2224239/

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available