Khi những âm sắc mùa Xuân đang ngập tràn khắp chốn thì tiếng trống hội thường niên của đại diện 28 cộng đồng dân tộc ở Đồng Mô cũng vang lên rộn ràng.
Đến hẹn lại lên. Tân Xuân nào, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa – Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) cũng diễn ra long trọng và hấp dẫn. Mười bốn năm qua, kể từ khi Làng Văn hóa khai trương nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, nơi đây đã trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa đặc biệt của người dân miền Bắc không chỉ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Lễ hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc diễn ra thường niên tại đây, với nhiều hoạt động đặc sắc và phong phú. Tôi tự hào bởi là một trong những công dân Thủ đô đều đặn tham dự sự kiện này, thưởng thức mọi cung bậc cảm xúc khi được cùng đại diện cộng đồng các dân tộc đón Xuân và hòa mình trong những điệu dân ca, dân vũ đặc sắc và vui tươi.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng bà con múa xòe. (Ảnh: Thanh Hà) |
Long trọng và đầm ấm
Nói đến lễ hội quan trọng này, không thể không nhắc đến sự tham dự đều đặn của các lãnh đạo Nhà nước và các bộ, ngành… Năm nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến chúc Tết và chung vui. Cùng dự sự kiện còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải… Lễ hội cũng có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, một số địa phương và đông đảo người dân của 28 cộng đồng dân tộc 16 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước.
Mới đi đến cửa ngõ Làng Văn hóa, tôi đã nghe tiếng cồng, chiêng của đồng bào Tây Nguyên vang lên trầm hùng. Không gian đầy ắp sự rộn ràng, khí thế và vui tươi đón Xuân mới của đồng bào. Mà như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ, là “một không gian văn hóa đầy sức sống và nhiều màu sắc của các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.
Sau khi thưởng thức Chương trình ca nhạc của các đồng bào dân tộc với nội dung mừng Đảng mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới, mọi người cùng lắng nghe những chia sẻ của Chủ tịch nước tại sự kiện: “Đất nước Việt Nam của chúng ta là quốc gia tươi đẹp, có nền văn hiến lâu đời, có lịch sử hào hùng và là một nền văn hóa giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng.
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú với các giá trị tốt đẹp thể hiện sinh động quá trình sinh sống, lao động, dựng xây và bảo vệ đất nước, khắc họa cốt cách và vẻ đẹp con người Việt Nam. Đây thật sự là niềm tự hào, là tài sản quý giá của quốc gia, là cội nguồn của sức mạnh nội sinh, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, và là lực hấp dẫn bạn bè thế giới, là sức mạnh mềm góp phần nâng tầm vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế”.
Chủ tịch nước vui mừng khi biết rằng, những năm qua, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có nhiều hoạt động hiệu quả, đặc sắc với hàng trăm lễ hội, sự kiện được tổ chức, làm nổi bật những vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng, khẳng định sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong phát triển, giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Nhấn mạnh rằng, để văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh, là động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển bền vững, đi đến phồn vinh, hạnh phúc, Chủ tịch nước nhắc nhở tất cả mọi người tiếp tục gìn giữ và bồi đắp các giá trị văn hóa tốt đẹp, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, củng cố, tạo dựng nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ, góp phần xây dựng con người Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc.
“Đa dạng văn hóa là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo. Tôi mong rằng, thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo để chung tay xây dựng không gian giao lưu văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng miền. Tôi tin rằng, không gian vui tươi, chan hòa, gắn kết bởi những cộng đồng văn hóa đa dạng là tiền đề vững chắc để thúc đẩy sự giao lưu và hiểu biết, hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc anh em, tạo nên sự gắn kết, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam – nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để phát triển đất nước”, Chủ tịch nước khẳng định.
Ông Phạm Văn Quyến, Phó trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (thứ tư, từ phải) chung vui cùng bà con dân tộc, kiều bào tại không gian văn hóa dân tộc Mường trong ngày hội. (Ảnh: Thanh Hà) |
“Thấy múa xòe là thấy Xuân”
Ngay sau buổi lễ chính, tôi cùng dòng người háo hức trảy hội mà trong lòng thật khâm phục ý tưởng xây dựng Làng từ vài chục năm trước. Thật khó có nơi nào trên thế giới này lại có một không gian cho đại diện đồng bào các dân tộc trên cả nước về sinh sống và duy trì, gìn giữ văn hóa bản làng như Làng Văn hóa. Không chỉ trong những ngày Xuân mà trong suốt cả năm, bất cứ khi nào, du khách đều có thể lập tức được trải nghiệm nhiều vùng văn hóa tại một địa điểm ngay ngoại ô Hà Nội.
Tại khu sinh sống của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều, tôi thực sự xúc động khi chứng kiến Chủ tịch nước thực hiện nghi thức tra hạt giống xuống đất cùng già làng trong Lễ hội Trỉa lúa. Đây được xem là hoạt động văn hóa quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru – Vân Kiều, cầu mong các vị thần giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở của hạt giống để có vụ mùa chắc hạt nặng bông. Từ năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công nhận Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào Bru – Vân Kiều là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Phạm Văn Quyến, Phó trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa cho biết: “Với mục tiêu phục vụ khách du lịch, các gia đình đại diện cho đồng bào các dân tộc đã và đang tái hiện, gìn giữ các phong tục truyền thống của dân tộc mình, cụ thể là âm nhạc, trang phục, ẩm thực, đời sống… cũng như các vật sản khác như thuốc nam, rượu cần…”.
Tình cờ ở làng Thái, tôi găp chị Nguyễn Thị Thanh, Việt kiều Italy về thăm quê và đến làng du lịch. Chị vui vẻ chia sẻ: “Tôi rất vui khi đến du lịch tại đây. Được dự lễ hội, thấy Chủ tịch nước chúc Tết bà con, thấy gần gũi quá. Đặc biệt, được múa xòe chung vui cùng đồng bào các dân tộc. Tôi thường hay kể cho người Italy về những lễ hội tươi đẹp của Việt Nam.
Chị Lò Thị Tóm (dân tộc Thái) tươi cười nói: “Tết đến, chúng tôi cùng nhau chăm chút từng luống hoa, bờ rào để nhà mình đẹp hơn, đón khách đến tham quan. Năm nay, khu nhà Thái có thêm rặng hoa ban Tây Bắc và một vườn đào. Mỗi năm lại thêm một vài điều mới, điều hay. Năm nay, Ban quản lý làng đã làm thêm cọn nước và cây cầu nối từ vườn cây làng Thái sang cánh đồng Tam giác mạch. Chúng tôi vui lắm. Đây đúng là không gian quen thuộc mà chúng tôi đã sinh ra, lớn lên và ở trên bản”.
Tôi may mắn gặp Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình, Trưởng nhóm làng dân tộc Mường đang giới thiệu về chiêng Mường. Nghệ nhân chia sẻ: “Chiêng Mường có đầy đủ 12 chiếc, đại diện cho 12 tháng trong năm, với 4 bộ âm đại diện cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông. Để thực sự hiểu về chiêng Mường thì chỉ có những ai sở hữu mới có cơ hội hiểu sâu về nó”.
Những câu chuyện của Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình giống như chiêng Mường, hấp dẫn và không có hồi kết khi âm hưởng của nó mãi âm vang. Tôi thấy vui khi gìn giữ văn hóa không chỉ là chủ trương, định hướng của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà với những đồng bào xa tổ quốc như chị Thanh, đồng bào dân tộc như chị Tóm, anh Bình… gìn giữ văn hóa với họ chính là trách nhiệm, là đam mê.
Chỉ cần vậy thôi, âm hưởng mùa Xuân không chỉ ở Làng văn hóa mà ở trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ còn mãi, đẹp mãi, từ đời này qua đời khác.