Những ngày này đến với Tam Cốc, du khách sẽ có cơ hội cảm nhận không khí ngày mùa tất bật, rộn ràng trên dòng sông Ngô Đồng. Dưới cái nắng ươm vàng, khuôn mặt ai cũng háo hức, tràn ngập niềm vui khi sắp được đón những “hạt ngọc trời” về nhà.
Từ 3 giờ sáng, cô Nguyễn Thị Nhiên (thôn Đam Khê ngoài, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) đã lục đục dậy để chuẩn bị đồ vào Tam Cốc gặt lúa. Vượt qua Hang Cả, trời bắt đầu sáng hơn cũng là lúc con thuyền của cô dừng lại trên mảnh ruộng của gia đình.
Nhà cô Nhiên có 5 sào trong cánh đồng Tam Cốc. Các con đều đi xa nên việc đồng áng chỉ có mình cô chăm bón. Sau bao ngày vất vả, khấp khởi lo thời tiết, cuối cùng cô Nhiên cũng được đón những bông lúa vàng óng, trĩu bông lên thuyền. Vừa ôm đon lúa nặng trĩu những hạt vàng, cô Nhiên cười tươi khoe: “Chị em rủ nhau đi gặt từ đêm cho mát, kẻo mặt trời lên cao là mất sức lắm. Được cái lúa năm nay được mùa nên ai cũng vui cả. Năng suất lúa nhà tôi ước được 1,5 tạ/sào. Thế là mừng rồi!”.
Cách đó không xa, tiếng cười nói cũng lao xao trên ruộng lúa của chú Chu Văn Khoa (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải). Ở đây mỗi người phụ trách một công việc khác nhau. Những người phụ nữ thì dùng chiếc liềm sắc bén nhanh tay cắt lúa. Còn những người đàn ông khỏe mạnh sẽ bó chúng lại thành đon sao cho vừa ôm, sau đó kéo lên thuyền.
Chú Khoa cho biết: “Trồng lúa ở Tam Cốc vất vả hơn những khu vực khác rất nhiều. Tất cả mọi công đoạn từ cày bừa, cấy hái đến lúc thu hoạch đều phải làm thủ công, không có máy móc gì hết”.
Theo chú Khoa, do đò không vào được sâu nên người dân phải dùng một chiếc bạt để kéo các đon lúa từ trong ra ngoài đầu ruộng. Để làm được công việc này phải 2-3 người đàn ông khỏe mạnh mới có thể làm được. Khi gặt lúa xong cũng chưa thể tuốt được luôn mà phải chèo thuyền lúa qua các hang, chở ra ngoài đường làng – nơi những chiếc máy tuốt đang đợi sẵn.
Thu hoạch lúa ở Tam Cốc vất vả là vậy nhưng cũng rất vui. Bởi theo nhiều người dân, một người sẽ khó làm hết tất cả mọi công đoạn nên các nhà đã nghĩ ra cách “đổi công” nhau. Đó là lý do vì sao cánh đồng lúc nào cũng có vài ba người, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (du khách Hà Nội) đã không giấu được niềm phấn khích khi được hòa mình vào không khí ngày mùa vui tươi của bà con tại đây. Chị chia sẻ: “Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp được chứng kiến cảnh ngày mùa ở quê hương như thế này. Bất chợt ký ức tuổi thơ như ùa về. Nét độc đáo ở đây là mọi hoạt động thu hoạch đều diễn ra trên sông nước khiến cảnh vật vừa lạ vừa quen,…”.
Do điều kiện thời tiết, mỗi năm bà con ở đây chỉ cấy được một vụ, năng suất bấp bênh. Tuy nhiên vì yêu cây lúa, muốn đem đến cảnh quan đẹp phục vụ du khách nên ai cũng cố gắng chăm bón ruộng lúa của gia đình.
Đặc biệt những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp nên người dân được hỗ trợ về giống, phân bón,… Từ đó tạo động lực để bà con thêm gắn bó với cánh đồng quê hương, góp phần xây dựng hình ảnh cánh đồng độc đáo, nghệ thuật làm say lòng du khách.
Theo ông Đinh Anh Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải: Cánh đồng Tam Cốc có diện tích hơn 18 ha. Hiện bà con đang bắt đầu thu hoạch các diện tích lúa chín. Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên năng suất lúa cao hơn các năm trước, ước đạt từ 1,3-1,8 tạ/sào. Sau khi thu hoạch xong địa phương tiếp tục vận động nhân dân chăm sóc lúa tái sinh (lúa chét) để tạo cảnh quan đẹp phục vụ du khách khi về Tam Cốc tham quan.
Tam Cốc những ngày này đẹp một cách kỳ lạ. Không còn cánh đồng mênh mang một màu lúa chín mà giờ đây bức tranh ấy hiện lên như một phím đàn piano khổng lồ với những mảng màu sáng tối. Một vẻ đẹp tự nhiên mà như có ai sắp đặt. Đến với Tam Cốc mùa này là đến với hương đồng gió nội, đến với một vùng quê yên bình và ngập tràn cảm xúc.
Minh Hải – Hoàng Hiệp