Các kỹ năng xã hội cần được trau dồi liên tục khi trẻ lớn lên. Những kỹ năng này sẽ tiếp tục phát triển theo độ tuổi và có thể được học hỏi, củng cố bằng nỗ lực và thực hành.
Mọi trẻ đều học được kỹ năng nếu cha mẹ giáo dục đúng cách.
Trẻ cần học cách chia sẻ
Việc sẵn sàng chia sẻ đồ ăn nhẹ hoặc đồ chơi có thể giúp ích rất nhiều trong việc giúp trẻ kết bạn và duy trì tình bạn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ từ 2 tuổi có thể thể hiện mong muốn chia sẻ với người khác, nhưng thường chỉ khi bé có thừa.
Không nên ép con chia sẻ, nhưng bạn có thể thường xuyên chỉ cho con thấy những hình ảnh đẹp nhờ sự chia sẻ. Khi trẻ biết chia sẻ, hãy khen ngợi trẻ và giải thích để con hiểu việc làm của mình giúp ích cho người khác ra sao, ví dụ “Con đã biết chia sẻ cho bạn. Mẹ tin là bạn sẽ rất vui. Đây là điều tốt đẹp mà con nên làm”.
Hợp tác
Hợp tác nghĩa là làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung. Những đứa trẻ biết cách hợp tác sẽ tôn trọng yêu cầu của người khác, đồng thời biết đóng góp, tham gia và giúp đỡ. Kỹ năng hợp tác tốt là điều cần thiết để hòa hợp thành công trong cộng đồng.
Hợp tác cũng dạy trẻ thái độ tích cực trước những điều không mong muốn, rằng vui mừng cho thành công của người khác không làm giảm giá trị bản thân.
Cha mẹ nên nói với trẻ về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội và sự hợp tác, công việc tốt hơn ra sao khi mọi người cùng tham gia. Tạo cơ hội cho cả gia đình cùng làm việc, như chuẩn bị bữa ăn hoặc làm việc nhà, giúp trẻ thực hành ở môi trường gần gũi nhất.
Lắng nghe
Lắng nghe không chỉ là giữ im lặng, mà thực sự tiếp thu những gì người khác đang nói. Đây là yếu tố quan trọng trong giao tiếp lành mạnh và xây dựng sự đồng cảm. Một đứa trẻ không biết lắng nghe và hiểu những gì người khác đang nói sẽ khó thể hiện lòng trắc ẩn hay mong muốn giúp đỡ.
Phụ huynh có thể rèn kỹ năng lắng nghe ở trẻ bằng cách đọc sách cho trẻ, thỉnh thoảng dừng lại và yêu cầu trẻ kể lại những gì bạn vừa đọc. Giúp trẻ bổ sung những chi tiết còn thiếu và khuyến khích trẻ tiếp tục lắng nghe.
Đừng để trẻ ngắt lời khi người khác đang nói, hoặc cầm thiết bị công nghệ trong khi đang trò chuyện.
Làm theo chỉ dẫn
Trẻ không có kỹ năng làm theo chỉ dẫn có thể gặp nhiều rắc rối, từ việc phải làm lại bài tập về nhà đến gặp rắc rối các hành vi sai trái. Để trẻ có kỹ năng này, cha mẹ cần làm tốt việc đưa ra chỉ dẫn phù hợp.
Mỗi thời điểm, chỉ nên đưa ra một yêu cầu, để trẻ hoàn thành xong rồi mới ra mệnh lệnh khác. Hãy nhớ rằng trẻ sai sót, bị phân tâm, cư xử bốc đồng và quên mất các yêu cầu là chuyện bình thường. Xem đó là cơ hội để giúp trẻ rèn kỹ năng, và khen ngợi khi trẻ làm đúng.
Tôn trọng không gian cá nhân
Hãy dạy trẻ cách tôn trọng không gian cá nhân của người khác, xây dựng các quy tắc trong gia đình như gõ cửa phòng đang đóng kín, không chạm vào người lạ. Nếu trẻ giật đồ khỏi tay người khác hoặc xô đẩy khi thiếu kiên nhẫn, hãy có những hình phạt để trẻ ngưng hành vi này.
Bạn có thể đưa ra nhiều tình huống để giúp trẻ rèn luyện cách tôn trọng các không gian cá nhân khác nhau. Khi trẻ lớn lên, cha mẹ có thể giải thích với trẻ khái niệm ranh giới, gồm đặt ra ranh giới cho bản thân và tôn trọng ranh giới của người khác.
Giao tiếp bằng mắt
Một số trẻ gặp khó khăn khi nhìn vào người mà chúng đang nói chuyện. Giao tiếp bằng mắt là kỹ năng quan trọng trẻ cần học. Với các trẻ nhút nhát, hãy nhẹ nhàng nhắc trẻ thay vì la mắng, đồng thời khen ngợi khi trẻ thực hành tốt.
Ứng xử phù hợp
Học cách nói “xin vui lòng”, “cảm ơn” và cư xử tốt giúp ích rất nhiều cho trẻ. Mọi người đều tôn trọng một đứa trẻ biết cư xử đúng mực.
Với trẻ nhỏ, việc dạy kỹ năng ứng xử có thể hơi khó khăn. Đôi khi trẻ không ý thức về cách ứng xử của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy trẻ cách lịch sự và tôn trọng, đặc biệt khi ở nhà người khác và nơi công cộng.
Cha mẹ hãy là một tấm gương tốt về cách cư xử, để trẻ học được một hình mẫu thực tế. Nhắc nhở khi trẻ quên cách cư xử và khen ngợi khi bạn thấy chúng ứng xử phù hợp.
Những hành vi ứng xử tốt mà trẻ nhỏ cần học
Biết nói “vui lòng”, “cảm ơn” và “xin lỗi”
Xếp hàng chờ đến lượt mình
Biết xin phép
Không nhận xét về ngoại hình người khác
Đáp lại những lời chào
Thể hiện lòng biết ơn
Gõ cửa phòng
Giới thiệu bản thân
Không dùng ngôn ngữ thô tục
Không đặt biệt danh hay trêu chọc người khác
Giữ vệ sinh bản thân tốt
Giữ cửa cho người khác
Đề nghị giúp đỡ người khác
Sử dụng khăn ăn và dụng cụ ăn uống đúng cách
Làm theo yêu cầu mà không càu nhàu
Ứng xử phù hợp trên bàn ăn