Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực toàn diện từ ngày 2/6/2023. Sự kiện này đánh dấu việc Hiệp định này đã có hiệu lực đầy đủ đối với 15 nước ký kết.
Hiệp định RCEP đã có hiệu lực đầy đủ đối với 15 nước ký kết từ ngày 2/6/2023. |
Đây là sự kiện lớn trong quá trình phát triển kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện Hiệp định thương mại tự do sẽ trở thành một quy tắc quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, các thành viên của RCEP chiếm khoảng 30% tổng dân số thể giới và 30% GDP và thương mại hàng hóa toàn cầu, nên việc Hiệp định này chính thức có hiệu lực toàn diện sẽ tạo cú huých mạnh mẽ để Trung Quốc thúc đẩy mở cửa với trình độ cao hơn.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các thành viên khác của RCEP là 12.950 tỷ NDT (1.850 tỷ USD), tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 30,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại của Trung Quốc.
Kim ngạch đầu tư mà Trung Quốc sử dụng thực tế với các nước thành viên của Hiệp định đạt 23,53 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ Hiệp định RCEP có thể phát huy vai trò to lớn như vậy, chủ yếu dựa trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, tuân thủ nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, cùng mở cửa. Các thành viên của RCEP, bao gồm cả các nước phát triển và các nước đang phát triển; vừa có các nước xuất khẩu tài nguyên năng lượng, lại có cả các nước nhập khẩu tài nguyên năng lượng.
Lý do tất cả các nước thành viên có thể đạt được sự phát triển kinh tế ổn định với sự hỗ trợ của Hiệp định này là tất cả các quốc gia đều đáp ứng đầy đủ các mối quan tâm của nhau trên cơ sở bình đẳng và đã đưa ra các điều khoản linh hoạt trong hàng loạt vấn đề then chốt.
Thứ hai, các thành viên RCEP đã cùng có những nỗ lực táo bạo, cởi mở để đạt được sự đổi mới về cơ chế. Trong đó, việc xác định xuất xứ sản phẩm hàng hóa đã mở ra cánh cửa cho thương mại và đầu tư lẫn nhau giữa các thành viên.
Thứ ba, trên cơ sở bổ sung các lợi thế cho nhau, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên thông qua các biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Sau khi Hiệp định được thực thi, hàng hóa nông sản của các nước Đông Nam Á sẽ hầu như không phải trả thuế và có thể trực tiếp thâm nhập thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc mà còn mang đến cơ hội hiếm có cho xuất khẩu nông sản của các nước Đông Nam Á.
Nói một cách khái quát, sự thành công của RCEP là nhờ sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, bổ sung lợi thế và đổi mới thể chế. Chỉ cần tích cực tổng kết kinh nghiệm thành công và tiếp tục làm sâu sắc thêm nội dung của Hiệp định, có thể tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được nâng lên một tầm cao mới.