Người bệnh tiểu đường ăn dưa leo, cà chua, ớt chuông, rau chân vịt phòng tránh mất nước trong những ngày nắng.
Thời tiết nóng khiến cơ thể mất nước. Theo Trung tâm Ung thư Toàn diện Đại học Bang Ohio (Mỹ), mất nước dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn. Người bệnh mất nước nghiêm trọng dễ nhiễm toan tiểu đường (nhiều axit trong máu), đe dọa tính mạng. Ngoài nước uống, các loại thực phẩm dưới đây cũng chứa nhiều nước.
Cần tây, dưa leo
Rau không chứa tinh bột như cần tây, dưa leo cung cấp nước mà không làm tăng lượng đường trong máu. Cần tây có khoảng 90-99% nước. 96% dưa leo là nước, một cốc thái lát (125 g) có khoảng 16 calo. Chúng còn có các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Chất xơ trong cần tây, dưa leo dồi dào, lượng calo và carbohydrate thấp hơn các thực phẩm khác, giúp kiểm soát tốt đường huyết.
Ớt chuông
Ớt chuông có hàm lượng nước cao, giàu chất xơ, vitamin C. Chất xơ làm chậm tốc độ tiêu hóa nên glucose (đường) đi vào máu chậm hơn. Nghiên cứu năm 2018 của Trường Đại học Coventry (Anh), với hơn 328.000 người, cho thấy phụ nữ tiêu thụ hơn 25 g và đàn ông tiêu thụ hơn 38 g chất xơ mỗi ngày giảm 20-30% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, ớt chuông có khoảng 94% là nước, chứa kali, một số chất cần thiết để điều chỉnh chức năng tim và thận, dẫn truyền thần kinh, chức năng cơ bắp. Kali còn là chất điện giải, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hydrat hóa nhằm bổ sung nước cho các cơ quan.
Cà chua
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, cà chua chứa khoảng 95% nước, nhiều vitamin C và kali nhưng lại ít carbohydrate, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Ví dụ, một cốc cà chua bi (125 g) chứa khoảng 27 calo và 6 g carbohydrate.
Cà chua còn giàu lycopene, hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh mẽ để bảo vệ tế bào. Theo Trường Đại học California (Mỹ), lycopene được hấp thụ tốt nhất khi cà chua được nấu chín. Người bệnh nên ăn cà chua nấu chín ít nhất hai lần một tuần để có nhiều chất dinh dưỡng này.
Rau lá xanh
Rau xanh lá đậm như rau diếp, rau chân vịt, cải xoăn nhiều dinh dưỡng và vitamin hơn rau lá có màu nhạt. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, rau chân vịt rất giàu vitamin K, một cốc (125 g) cung cấp 121% giá trị vitamin K hàng ngày. Chất dinh dưỡng này góp phần giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Rau chân vịt còn có nhiều kali, chứa 90-99% nước và ít carbohydrate kiểm soát đường huyết. Cải xoăn có khoáng chất như canxi, kali, magiê, vitamin A, C và K cần thiết cho cơ thể.
Táo
Táo giàu chất xơ, một quả cỡ vừa cung cấp 4,5 g chất xơ, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, không làm tăng đường huyết đột biến. Hệ thống Y tế Myo Clinic (Mỹ) khuyến nghị phụ nữ ăn 21-25 g táo mỗi ngày, 30-38 g đối với nam giới. Người bệnh tiểu đường có thể ăn một quả táo mỗi ngày hoặc thay thế bằng một quả lê, đào để cung cấp nước cho cơ thể.
Quả mọng
Quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi… nhiều nước, chống oxy hóa anthocyanin và vitamin C bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây bệnh.
Nếu không thích quả mọng, các loại trái cây nhiều nước, chất xơ và chất dinh dưỡng như như kiwi, dưa lưới cũng là lựa chọn tốt. Chúng không quá nhiều carbohydrate, ít tác động đến đường huyết.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết – đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |