Chỉ trong thời gian chưa đầy một năm, Chính phủ liên tiếp có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc quản lý thị trường vàng. Mới đây nhất, ngày 11/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới với nhiều chỉ đạo cụ thể hơn, nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.
Hy vọng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới đây, thị trường vàng trong nước sẽ ổn định, hài hòa lợi ích giữa các bên. Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, trong cơ chế thị trường, việc giá vàng lên xuống là chuyện bình thường nhưng nếu không có giải pháp kịp thời xử lý biến động giá vàng sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi và phát triển kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế vĩ mô. Ở Việt Nam, Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng nên việc giá vàng chịu ảnh hưởng của thị trường quốc tế. Từ năm 2012 với công cụ điều tiết là Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thị trường vàng được quản lý chặt chẽ, ngăn chặn được tình trạng “vàng hoá” nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, SJC trở thành vàng độc quyền của Nhà nước trong khi nguồn cung không dồi dào nên chỉ cần có biến động nhẹ, doanh nghiệp tích trữ, đầu cơ hay chỉ do yếu tố tâm lý cũng khiến giá vàng tăng cao.
Nguồn cung khan hiếm, giá vàng trong nước tăng, chênh lệch lớn với giá thế giới kéo theo tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Trong khi thị trường vàng trong nước đã đóng cửa thì 3 nước giáp ranh với Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Từ nhiều năm nay buôn lậu vàng nhất là tại các tỉnh biên giới Tây Nam và khu vực miền Trung tiếp giáp với Lào liên tục tăng nhiệt, với nhiều vụ số lượng cực lớn, có sự tiếp tay của cả các lực lượng chống buôn lậu, tiếp viên hàng không.
Tháng 6/2023, các đơn vị chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Trị điều tra, bóc gỡ một đường dây buôn lậu vàng qua biên giới cực lớn do Nguyễn Thị Hóa (trú tỉnh Quảng Trị) cầm đầu. Chỉ trong vòng 1 năm, các đối tượng đã buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để thu lời bất chính…
Liên tiếp các vụ buôn lậu vàng bị bóc gỡ nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh và chênh lệch cao so với giá quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp nhằm bình ổn thị trường vàng.
Được biết, ngay trong tháng 4 này, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022 và 2023. Hy vọng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, những bất cập và cả những sai phạm của các tổ chức, cá nhân sẽ được làm rõ, khắc phục, xử lý để thị trường vàng sớm trở lại bình thường.
Vàng là tài sản cực kỳ nhạy cảm, gắn bó chặt chẽ với tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia. Chính vì vậy, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Cùng đó, có các giải pháp chống độc quyền, vừa quản lý thị trường vàng vừa hài hòa lợi ích giữa các bên. Cần xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế, đặc biệt vừa ngăn chặn buôn lậu vừa không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá. Các ngành chức năng cần khuyến khích ngành vàng trang sức xuất khẩu để cân bằng nguồn ngoại tệ vừa tăng dự trữ ngoại hối bằng vàng để gia tăng khả năng bình ổn thị trường vàng…