Thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung
Tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” sáng 3/6, nói về nguyên nhân khiến giá vàng diễn biến tăng mạnh trong thời gian vừa qua, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra, do giá vàng thế giới tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 2.413,8 USD/ounce.
Đối với thị trường trong nước, có 7 nguyên nhân tác động đến giá vàng. Thứ nhất, do mất cân đối cung – cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao.
Người dân Việt Nam có thói quen giữ vàng để đảm bảo tài sản và đầu cơ, nhất là khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Giá vàng quốc tế đang có xu hướng tăng, dự báo sẽ tăng mạnh đang tạo ra một lực hấp dẫn trong các kênh đầu tư, nhất là trong thời điểm hiện nay. Vàng có tính thanh khoản tốt, nên được nhiều người dân quan tâm.
Thứ hai, các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản đang trở nên bất định, kém hấp dẫn, cùng với lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu.
Thứ ba, thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung, thay vào đó rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này tạo ra sự ko minh bạch về giá và tạo điều kiện cho khả năng thao túng giá, tạo mảnh đất đầu cơ.
Thứ tư, tin đồn, sự thao túng thị trường của một số người chơi nhất định và tâm lý đám đông, phong trào có thể khuếch đại biến động giá, dẫn đến bong bóng và dễ xảy ra các vụ sụp đổ sau đó.
Thứ năm, về cơ chế quản lý kinh doanh vàng, chỉ quan tâm, tập trung chủ yếu và phụ thuộc rất nhiều vào vàng vật chất (vàng miếng và vàng trang sức). Chưa đa dạng hóa sản phẩm vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản/kỳ hạn). Do vậy nhu cầu vàng vật chất này gây áp lực lên giá vàng trong nước, khiến nó dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động toàn cầu.
Thứ sáu, không giống thị trường của các nước phát triển nơi các giao dịch liên quan đến vàng chủ yếu được thông qua các công cụ phái sinh và quỹ ETF (quỹ giao dịch hoán đổi). Tại Việt Nam trên thị trường vàng những công cụ này chưa được sử dụng, chủ yếu giao dịch vàng vật chất.
Thứ bảy, hệ thống tài chính đang phát triển của Việt Nam còn thiếu nhiều công cụ đầu tư hấp dẫn. Nhiều người Việt có tâm lý vẫn ưa thích vàng như một nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt lúc kinh tế có dấu hiệu bất ổn.
Cần cân nhắc thận trọng giao dịch đánh thuế vàng
Theo ông Long, để bình ổn thị trường vàng, cầm khẩn trương sửa đổi Nghị định số 24/2024 ngày 27/2/2024 để loại bỏ những bất cập hiện nay.
Đồng thời, trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại không đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng, mà chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh (với điều kiện đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn), còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập.
Cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng.
Hiện có quan điểm cần đánh thuế giao dịch vàng, ông Long cho rằng, việc đánh thuế giao dịch vàng sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người mua vàng, tăng thêm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới, người dân sẽ hạn chế bán vàng.
Điều này sẽ làm cho vàng nằm im trong dân không chuyển nguồn vàng thành nguồn lực tài chính phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời hạn chế nguồn cung vàng trong nền kinh tế. Do vậy đề xuất đánh thuế giao dịch vàng cần cân nhắc thận trọng.
Nhìn chung, đánh giá về thị trường vàng trong thời gian vừa qua, ông Long nhận định, trước thực trạng giá vàng liên tục lên xuống không ổn định, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới bằng cách bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và công ty SJC bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định, bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thời gian qua, NHNN đã đưa ra nhiều quyết sách phù hợp với điều kiện thực tế thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, nhằm huy động tối đa nguồn lực dự trữ quốc gia cho nhập khẩu máy móc thiết bị nhiên vật liệu. Hỗ trợ cho quá trình xuất nhập khẩu, tăng cường sản xuất, tạo công ăn việc làm, đảm bảo yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
Đồng thời, hoạt động của thị trường vàng hỗ trợ ổn định tỉ giá hối đoái, dù trong thời gian vừa qua, tỉ giá hối đoái đôi lúc tương đối cao, chênh 7-8% so với cuối năm 2023.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/7-nguyen-nhan-tac-dong-den-gia-vang-tai-viet-nam-a671314.html