Đời sống của phụ nữ là một bộ phận của đời sống gia đình, xã hội. Người phụ nữ không tách biệt với phần còn lại của thế giới, trái lại họ gắn liền và chi phối mạnh mẽ đời sống gia đình và xã hội. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, ngày nay quyền của phụ nữ đã trở thành vấn đề được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi toàn thế giới.
Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ (Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ CEDAW (1979), coi đó như một trách nhiệm của văn minh thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích những nội dung bất hủ trong các bản Hiến pháp của các nước dân chủ Mỹ, Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến vào ngày 09/11/1946.
[caption id="" align="alignnone" width="640"]Là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là sự kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, đáp ứng khát vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam về bảo vệ nền độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân và đảm bảo các quyền tự do dân chủ của mọi công dân. Ngay tại Điều 1, Hiến pháp 1946 đã ghi nhận: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Đây là những quy định đầu tiên có ý nghĩa hết sức to lớn trong bối cảnh đất nước non trẻ vừa mới được thành lập, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Quy định này đã phá tan xiềng xích tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của chế độ phong kiến bấy lâu.
Quan điểm “nam nữ bình quyền” còn được quán triệt và cụ thể hóa bằng các quy định tại Điều 6: “Tất cả công dân đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”; Điều 7: “Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”; Điều 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”; Điều 18: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử…”
Với những quy định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã mở đường cho tư tưởng nam nữ bình đẳng về quyền lợi trên mọi phương diện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và đã trở thành tư tưởng chủ đạo cho các bản Hiến pháp sau này về quyền của phụ nữ.
Hiến pháp 1959 tiếp tục khẳng đinh các quyền cơ bản của Nhân dân, cũng như của phụ nữ, đặc biệt tại Điều 23, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 đã tiến thêm một bước tiến lớn trong các quyền dân chủ đó là việc xác lập quyền ứng cử của công dân không phân biệt nam nữ: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội… đều có quyền bầu cử… ứng cử…” Điều này đã khẳng định quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Như vậy, so với Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 đã cụ thể hóa hơn các lĩnh vực mà phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng như nam giới. Đây có thể coi là sự trân trọng đặc biệt mà pháp luật ghi nhận đối với vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Hiến pháp 1980, tiếp tục ghi nhận và kế thừa những tư tưởng pháp lý về quyền của phụ nữ tại các bản Hiến pháp trước đó. Đồng thời, tiếp tục làm rõ, bổ sung và khẳng định, mở rộng quyền phụ nữ trong xã hội. Theo đó, các quyền của phụ nữ được khẳng định trên mọi mặt của đời sống xã hội, chẳng hạn tại Điều 63, Hiến pháp 1980. Theo quy định này, lần đầu tư tưởng bình đẳng giới đã mở rộng không chỉ đối với người trưởng thành mà còn đối với trẻ em.
[caption id="attachment_599206" align="alignnone" width="768"]Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 tiếp tục khẳng định các quyền tự do cơ bản của công dân nói chung và của phụ nữ nói riêng như điều mang tính tất yếu. Không chỉ dừng lại ở đó, Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 còn có quy định nhằm nhấn mạnh những hành vi áp bức, kỳ thị, phân biệt, đối xử với phụ nữ là xâm phạm đến các quy phạm được pháp luật bảo vệ.
Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền phụ nữ nói riêng đã được khẳng định ở tầng cao hơn khi mà các nhà làm luật ở nước ta đã đưa chương V Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên đặt trang trọng ở Chương II. Quyền phụ nữ nói riêng được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, xã hội. Các quyền này được pháp luật và toàn thể xã hội thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.
Trên nền tảng quy định của Hiến pháp về quyền phụ nữ, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản luật, văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa các quyền cơ bản của phụ nữ, nhằm bảo vệ quyền phụ nữ tốt hơn, phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội, hòa nhập chung với hệ thống pháp luật khu vực và quốc tế, phù hợp với những cam kết về thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ mà Việt Nam đã ký kết như Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014…
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trên thế giới sớm phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ – CEDAW (được Đại hội đồng Liên Hợp quốc phê chuẩn và thông qua ngày 18/12/1979).
Như vậy, lịch sử lập hiến của nước ta đã trải qua hơn 70 năm, từ Hiến pháp 1946 tới bản Hiến pháp hiện hành năm 2013, các quyền cơ bản của phụ nữ đã được ghi nhận và củng cố, khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, xã hội. Các quy định của pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ thể hiện khả năng, trí tuệ của mình đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước, đồng thời giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.
Trà Khánh
Bình luận (0)