EDAW là tên viết tắt của “Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ”. Đây là văn kiện quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm ngăn chặn sự phân biệt đối xử với phụ nữ và xây dựng một chương trình hành động nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ.
CEDAW còn được gọi là “Công ước về Phụ Nữ” hay “Điều ước quốc tế về quyền phụ nữ”. Công ước bao gồm lời mở đầu và 30 điều khoản được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18/12/1979 và có hiệu lực ngày 03/9/1981.
Đến nay trên thế giới đã có 184 nước là quốc gia thành viên Công ước CEDAW. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước CEDAW vào ngày 17/2/1982 và trở thành quốc gia thành viên của Công ước này.
Tầm quan trọng của Công ước CEDAW
CEDAW là công ước quốc tế đầu tiên về quyền phụ nữ không chỉ về khía cạnh dân sự và chính trị mà còn về kinh tế, xã hội, văn hóa và gia đình. CEDAW chỉ ra những ảnh hưởng của văn hóa và truyền thống làm giới hạn quyền của người phụ nữ và gây khó khăn cho các nhà chức trách trong việc thay đổi các thành kiến, khuôn phép, phong tục, tập quán phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.
CEDAW bao hàm nguyên tắc về nghĩa vụ của các quốc gia. Điều này có nghĩa là phụ nữ không còn phụ thuộc vào thiện chí tốt đẹp của Nhà nước mà Nhà nước phải có nghĩa vụ không thể chối bỏ được đối với phụ nữ.
CEDAW bảo vệ các quyền của người phụ nữ
- Quyền được giáo dục (Điều 10, 14): nam nữ được tạo điều kiện như nhau trong nghề nghiệp và hướng nghiệp, tham gia học tập và đạt được bằng cấp ở các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình khác nhau ở vùng nông thôn cũng như thành thị. Được hưởng các loại hình đào tạo, giáo dục chính quy và không chính quy, gồm các loại hình liên quan tới việc dạy chữ.
- Quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ, bao gồm cả dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (Điều 11, 12, 14): quyền được hưởng bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong các trường hợp về hưu thất nghiệp, đau ốm tàn tật, tuổi già và các tình trạng mất khả năng lao động khác cũng như quyền được nghỉ phép có hưởng lương; quyền được bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn lao động, kể cả bảo vệ chức năng sinh sản.
- Quyền được vay tiền ngân hàng và tham gia các hình thức tín dụng khác (Điều 13, 14): được tiếp cận các loại hình tín dụng và vốn vay dành cho nông nghiệp, các cơ hội thị trường, công nghệ phù hợp.
- Quyền được tham gia vào các hoạt động giải trí, thể thao và các mặt của đời sống văn hóa ( Điều 10, 13, 14): trên cơ sở bình đẳng, nam nữ có quyền được tham gia các hoạt động giải trí, thể thao và mọi mặt của đời sống văn hóa; tham gia mọi hoạt động của cộng đồng; nam nữ được tạo cơ hội như nhau để tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao.
- Quyền được quyết định số con và khoảng cách giữa các con (Điều 16): nam nữ có quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này.
- Quyền được chia sẻ nghĩa vụ làm cha mẹ ( Điều 16): nam nữ có quyền và trách nhiệm như nhau với vai trò làm cha mẹ trong mọi vấn đề liên quan tới con cái, bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào. Trong mọi trường hợp lợi ích của con cái là điều quan trọng nhất.
- Quyền được hưởng các cơ hội làm việc như nhau cũng như những phúc lợi xã hội và Quyền được thù lao như nhau trên cơ sở thành quả làm việc (Điều 11, 14): trên cơ sở bình đẳng, phụ nữ và nam giới có quyền hưởng các cơ hội có việc làm như nhau, bao gồm cả việc áp dụng những tiêu chuẩn như nhau khi tuyển dụng lao động; quyền được hưởng thù lao như nhau, gồm cả phúc lợi, được đối xử như nhau khi làm những việc có giá trị ngang nhau cũng như được đối xử như nhau trong việc đánh giá chất lượng công việc.
- Quyền được bảo vệ trước mọi hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, cảm xúc, tinh thần và kinh tế (Điều 6): các quốc gia thành viên phải áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp, kể cả biện pháp pháp luật để loại bỏ mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột phụ nữ làm nghề mại dâm.
- Quyền được tham gia bầu cử, ứng cử và tham gia những chức vụ trong bộ máy nhà nước (Điều 7): được tham gia bỏ phiếu trong mọi cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý, được quyền ứng cử vào tất cả các cơ quan dân cử; được tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách của Chính phủ, tham gia các chức vụ của Nhà nước và thực hiện mọi chức năng cộng đồng ở tất cả các cấp chính quyền; tham gia vào các tổ chức và hiệp hội phi chính phủ liên quan đến đời sống cộng đồng và chính trị của đất nước.
- Quyền được đại diện chính phủ của họ ở cấp quốc tế (Điều 8): có cơ hội đại diện cho chính phủ trên diễn đàn quốc tế và tham gia công việc của các tổ chức quốc tế.
- Quyền được nhập, thay đổi hay giữ nguyên quốc tịch (Điều 9): các nước phải đặc biệt đảm bảo là việc kết hôn với người nước ngoài, hay sự thay đổi quốc tịch của người chồng trong thời gian hôn nhân sẽ không mặc nhiên làm thay đổi quốc tịch của người vợ, biến người vợ thành người không có quốc tịch hay ép buộc người vợ phải lấy quốc tịch của người chồng; phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong vấn đề quốc tịch con cái.
Như vậy, mục đích của CEDAW là mang lại quyền bình đẳng thực sự cho người phụ nữ. Nghĩa là các chính quyền phải mang lại những kết quả thực tế chứ không phải chỉ mang tính lý thuyết. CEDAW ngăn chặn các hành vi và chính sách gây bất lợi cho phụ nữ trên mọi phương diện. CEDAW buộc các quốc gia thành viên không chỉ ngăn chặn những xâm phạm quyền phụ nữ bởi các cơ quan nhà nước mà còn bởi các tổ chức và cá nhân khác.
Trà Khánh