Hà NộiQuy hoạch trụ sở bộ ngành ở Tây Hồ Tây lấy ý tưởng văn hóa đình làng Việt với các tòa nhà tôn nghiêm, quảng trường mô phỏng sân đình gần gũi người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây phê duyệt đồ án quy hoạch trụ sở làm việc của các bộ ngành đến năm 2030 tại khu Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm) và khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).
Đồ án quy hoạch khu Tây Hồ Tây dựa trên tác phẩm đạt giải A cuộc thi ý tưởng quy hoạch, kiến trúc trụ sở các bộ ngành do liên danh Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam thực hiện năm 2021. Nikken Sekkei từng tham gia thiết kế các dự án trọng điểm tại Việt Nam như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội, trụ sở Cục Viễn thông.
KTS Trịnh Việt A, Công ty Nikken Sekkei, chủ trì đồ án nhớ lại sau khi qua vòng sơ tuyển cùng với gần 20 đơn vị tư vấn thiết kế uy tín, công ty nhận đề bài mở với yêu cầu thể hiện yếu tố cộng đồng trong quy hoạch và kiến trúc sơ bộ trụ sở bộ ngành ở Tây Hồ Tây.
Nhóm tác giả thực hiện đồ án của Nikken Sekkei bao gồm 11 người thuộc nhiều quốc tịch và chuyên môn khác nhau như kiến trúc sư, nhà quy hoạch, thiết kế cảnh quan. Khác với các đồ án thiết kế công trình và quy hoạch thông thường, đồ án này là tổng hòa quy hoạch và kiến trúc công trình trên quỹ đất quy hoạch 35 ha. Với tính chất phức tạp và nhiều hạng mục, họ phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, từ quy hoạch cảnh quan đến thiết kế kiến trúc các khối nhà trên từng lô đất, trong thời hạn ba tháng của cuộc thi.
Không gian văn hóa cộng đồng
Qua khảo sát, nhóm tác giả nhận thấy các khu phố đi bộ, công viên, thậm chí vỉa hè ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn chật kín người. Điều đó cho thấy không gian công cộng, sinh hoạt cộng đồng là nhu cầu thiết yếu của người dân tại các thành phố lớn. Do vậy, các kiến trúc sư đã quy hoạch không gian công cộng gắn liền trụ sở bộ ngành để đáp ứng nhu cầu dân sinh và xem đây là “chất xúc tác tích cực” đối với cụm công trình quy hoạch.
Tìm hiểu văn hóa cộng đồng, nhóm tác giả cho rằng đình làng chính là không gian công cộng đầu tiên của Việt Nam, nơi người dân hội họp, tổ chức lễ hội. Từ đó, họ đã mô phỏng, cách điệu và khuếch đại hình ảnh sân đình thành khu vực quảng trường, không gian công cộng trong đồ án.
KTS Trịnh Việt A giải thích quảng trường ở phương Tây là điểm hội tụ của các đường trục quy hoạch. Trong khi đó, tiếp thu văn hóa Việt Nam, quảng trường trong đồ án này có kết nối mềm mại, uyển chuyển mang lại cảm giác gần gũi văn hóa Châu Á.
Sau khi nghiên cứu tính chất đồ án, nhóm tác giả quyết định tập trung vào tổng hòa quy hoạch kết nối cộng đồng thay vì đi sâu vào chi tiết công trình. “Chúng tôi đánh cược ý tưởng đưa văn hóa cộng đồng vào đồ án và may mắn được nhiều người ủng hộ”, KTS Trịnh Việt A chia sẻ.
Quy hoạch đường trục xuyên suốt
Khu trụ sở bộ ngành khu Tây Hồ Tây dự kiến đặt trụ sở 12 bộ ngành, trong đó có các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và một số cơ quan khác.
“Điểm nan giải là tìm ra ý tưởng xuyên suốt để làm nổi bật tính chất uy nghiêm song vẫn gần gũi người sử dụng cụm công trình công quyền”, KTS Trịnh Việt A nói. Nhóm tác giả quyết định chọn phương án quy hoạch đường trục làm xương sống nối cụm công trình văn hóa Nhà hát Thăng Long ở phía Đông và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở phía Tây. Các tòa nhà chạy dọc hai bên đường trục, ở giữa trục đường là 4 công viên, quảng trường phục vụ người dân.
Trên trục đường chính dài 1 km, đồ án bố trí các quảng trường làm điểm nhấn, đảm bảo khoảng cách bộ hành 300 – 400 m có điểm dừng chân. Nhóm tác giả sử dụng đường cong đa tầng cho toàn bộ thiết kế khu vực quảng trường, công viên, cầu bộ hành. 12 tòa nhà trụ sở bộ ngành nằm đối xứng xung quanh các quảng trường có diện tích đất tương đương nhưng khác biệt số tầng, chiều cao.
KTS Trịnh Việt A cho biết xu hướng thiết kế trụ sở cơ quan hành chính trên thế giới hiện nay là thân thiện với cộng đồng. Ví dụ tại Trung tâm hành chính Tokyo ở Nhật Bản, người dân có thể tự do tham quan và sử dụng các tiện ích. “Chúng tôi kỳ vọng về một khu văn phòng hài hòa với môi trường xung quanh. Các trụ sở có tính uy nghiêm nhưng cũng phải là không gian thân thiện, cởi mở chào đón người dân”, ông A nói.
KTS Jun Kato – chủ trì thiết kế quy hoạch cho biết đồ án cũng bố trí công trình khách sạn, tổ hợp giải trí, thể thao bên cạnh các trụ sở hành chính để tạo môi trường làm việc và sinh hoạt thuận lợi cho cán bộ, nhân viên và người dân đến đây. Các công trình phụ trợ này ở đầu mối giao thông công cộng và tuyến phố chính để mọi người tiếp cận thuận tiện nhất. “Với các công trình phụ trợ, toàn bộ khu vực trụ sở bộ ngành vẫn sống động ngay cả thời điểm ngoài khung giờ hành chính”, KTS Jun Kato nói.
Theo lộ trình, từ năm 2023 đến 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; từ 2026 đến 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 đến 2035 xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và công trình công cộng.