TP HCMQuế Trân xúc động tưởng nhớ cha – “thống soái tuồng cổ” Thanh Tòng – khi nhận danh hiệu NSND ở tuổi 43.
Trong 25 nghệ sĩ tại TP HCM được trao Nghệ sĩ Nhân dân, Quế Trân là người trẻ tuổi nhất. Cha cô – nghệ sĩ Thanh Tòng (1948-2016) – từng nhận danh hiệu này ở tuổi 61.
Tại buổi lễ do Sở Văn hóa – Thể thao tổ chức tối 28/3 để vinh danh các gương mặt đoạt Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm nay, Quế Trân đến sớm, dành thời gian dạo quanh triển lãm ảnh chân dung nghệ sĩ tiêu biểu trong khuôn viên Nhà hát thành phố. Dừng lâu bên bức chân dung của cô đặt cạnh hình ảnh các tiền bối như Thanh Kim Huệ, Trọng Phúc, Quế Trân khóc cho biết: “Có lẽ ba tôi đang hạnh phúc thay cho tôi”.
Sinh trưởng trong đoàn Bầu Thắng – Minh Tơ, gia tộc tuồng cổ lâu đời nhất của miền Nam, từ nhỏ, Quế Trân được cha truyền cho tình yêu ca cổ. Năm chín tuổi, sau khi thọ giáo ở đoàn đồng ấu Bạch Long, cô được nghệ sĩ Thanh Tòng đưa đi diễn cùng ở nhiều sân khấu chuyên nghiệp. Từng bước chập chững vào nghề, nhờ một tay cha uốn nắn, Quế Trân gắn bó sân khấu, có nhiều vai diễn gây tiếng vang, giải huy chương vàng giải cải lương Trần Hữu Trang ở tuổi 18. Cô được khán giả nhớ đến qua nhiều vai ghi dấu ấn riêng như: Nga (Khúc ly hương), Phượng (Con mắt thời gian), công chúa Thiên Kiểu (Trắng hoa mai).
Cú sốc cha qua đời đột ngột năm 2016 khiến Quế Trân chênh vênh, mất phương hướng một thời gian dài. Diễn viên nói có lúc không chấp nhận được sự thật, muốn bỏ nghề hát vì không còn điểm tựa tinh thần. “Những khi yếu lòng, nhìn di ảnh cha, tôi nhớ lời dặn: Không ngừng phấn đấu, đừng bỏ cuộc. Tôi tâm nguyện theo nghề hát trọn đời để làm ba vui và cũng để xứng danh con cháu đoàn Minh Tơ – Thanh Tòng”, nghệ sĩ cho biết.
Gần 30 năm ca diễn, Quế Trân không phấn đấu vì thành tích, huy chương, chỉ hát để thỏa niềm đam mê. “Gần đây, cải lương có dấu hiệu hồi sinh. Đi diễn, tôi chứng kiến nhiều sân khấu luôn sáng đèn, suất nào cũng đầy ắp khán giả”, cô nói.
Tại buổi lễ vinh danh, các nghệ sĩ hòa chung niềm vui đón nhận danh hiệu. Trước đó, nhiều người tuổi cao sức yếu, không thể góp mặt trong buổi trao tặng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội hồi đầu tháng 3.
Ngồi xe lăn đến buổi lễ, nghệ sĩ Hùng Minh cho biết trở thành Nghệ sĩ Nhân dân là niềm an ủi lớn với ông trước cuộc sống khốn khó, bệnh tật ở tuổi 94. Gần một đời cống hiến cho sân khấu cải lương, là kép đẹp lừng lẫy một thời, gần đây ông “vào viện như cơm bữa”. “Tôi muốn dành tặng danh hiệu này cho vợ tôi, người đồng cảm cộng khổ bấy lâu”, Hùng Minh nói.
Thanh Điền là người duy nhất lên sân khấu hai lần để nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – cho ông và cho vợ, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ (1954 – 2021). Chân run run, phải nhờ người dìu lên sân khấu, nghệ sĩ cải lương xúc động khi nhận bó hoa chúc mừng từ lãnh đạo thành phố. Ông ước còn vợ bên cạnh để nắm tay bà trong ngày vui. Gần ba năm Thanh Kim Huệ qua đời vì ung thư, không ngày nào ông vơi cảm giác trống trải vì nhớ bà.
Phát biểu trong buổi vinh danh, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch TP HCM – cho biết tự hào và biết ơn các nghệ sĩ vì những cống hiến của họ. Ông đánh giá danh hiệu là hình thức vinh danh cao quý của nhà nước với những người hết lòng, hết sức vì nghệ thuật, gửi gắm niềm tin để nghệ sĩ tiếp tục đổi mới sáng tạo, giúp văn hóa dân tộc vươn xa.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức các đợt xét duyệt năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015, 2019. Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú. Những năm gần đây, việc xét Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được trải đều trên các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, múa, giúp đánh giá toàn bộ đóng góp của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Mai Nhật