“Chưa bao giờ quất ế như năm nay”
Đường Lê Văn Lương những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn, hai bên vỉa hè bạt ngàn những điểm bán hoa, cây cảnh, trong đó nhiều nhất là quất cảnh chơi tết.
Ghi nhận trong ngày 4.2 (tức ngày 25 tháng chạp) – ngày chủ nhật cuối cùng của năm Quý Mão trái ngược với không khí mua bán sôi động như những năm trước đây, nhiều thương lái ở đây buồn thiu khi khách thưa vắng, hàng bán chậm.
Chuyện từ những chiếc thuyền hoa miền Tây chở hạnh phúc tết: Nỗi lo tạm gác lại…
Ghi nhận thực tế của phóng viên Thanh Niên, từ chiều 4.2, nhiều điểm bán quất cảnh mini, quất bonsai dọc hai bên đường Lê Văn Lương bất ngờ treo biển xả hàng hoặc bán hàng đồng giá với mức giá thấp nhất là 100.000 đồng/chậu, cao nhất 250.000 đồng/chậu.
Chuẩn bị cho vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh Hà Sơn Bình (quê ở Phú Thọ) đã nhập hơn 1.000 chậu quất Văn Giang (Hưng Yên) và quất Tứ Liên (Q.Tây Hồ, Hà Nội). Nhưng sau gần 10 ngày mở bán, số quất bán được chưa đến 30%. Trong khi chỉ còn 5 ngày nữa là đến tết mà vẫn còn khoảng 700 chậu cây, anh Bình quyết định xả hàng để sớm thu hồi vốn.
Bắt đầu từ chiều 4.2, gian hàng của anh Bình bán quất Văn Giang đồng giá 100.000 đồng/chậu, quất Tứ Liên giá cao hơn với 2 loại 150.000 đồng/chậu và 250.000 đồng/chậu.
“So với mọi năm, chậu quất mini, quất bon sai đang bán xả hàng hiện nay có giá 300.000 – 500.000 đồng/chậu mà vẫn bán rất chạy. Còn năm nay, ngày cao nhất thì bán được hơn 20 chậu, còn lại mỗi ngày túc tắc bán trên dưới 10 chậu thôi, rất ít người mua. Nhiều năm kinh doanh quất cảnh dịp tết tôi thấy chưa khi nào lại khó bán như năm nay”, anh Bình nói.
Xả hàng sớm để vớt vát tiền bình, tiền lọ
Cùng mở điểm bán quất trên đường Lê Văn Lương, bà Nguyễn Thị Thắm đến từ TT.Văn Giang (H.Văn Giang, Hưng Yên) cho hay, năm nào gia đình cũng đưa quất lên đây bán tết. Bình thường mọi năm, từ rằm tháng chạp trở đi (tức ngày 15 tháng 12 âm lịch), người Hà Nội sẽ rục rịch đi mua quất chơi tết. Càng về những ngày sát tết thì lượng người mua sẽ tăng lên rất nhiều. Năm nay thì ngược lại, dù đã sau 23 tháng chạp – tết ông Công, ông Táo thế nhưng lượng người đến xem, mua quất rất thưa vắng.
Cũng theo bà Thắm, để trồng được một chậu cây quất bonsai, quất mini đưa ra thị trường các nhà vườn phải đầu tư số vốn khá lớn. Trong đó, chi phí lớn nhất là tiền mua bình, lọ để trồng quất. Không thể tự sản xuất, các nhà vườn đều phải đặt hàng ở các làng nghề sản xuất gốm. Giá mỗi chiếc bình, lọ loại hàng phổ thông khoảng vài chục nghìn đồng nhưng đối với loại làm theo linh vật từng năm, mẫu bình, lọ là con giống, bình hoa cách điệu… giá lên tới cả trăm nghìn đồng.
Tiểu thương mắc võng, trải chiếu thức xuyên đêm canh hoa tết: ‘Phải cố gắng thôi’
“Cả năm trồng, chăm sóc được chậu quất mà giờ phải chấp nhận bán xả hàng với giá 100.000 – 150.000 đồng/chậu thì không có lãi rồi. Chúng tôi bán giá bán thấp thế này chỉ để thu hồi tiền bình, tiền lọ đã mua từ đầu năm”, bà Thắm nói.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Thu Phương, thương lái kinh doanh quất cảnh trên Lê Văn Lương lắc đầu ngao ngán khi chỉ vào lô quất mới chuyển lên từ nhà vườn ở Hưng Yên đang bày la liệt trên vỉa hè. Chị Phương cho hay, tình hình kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu mua sắm đã được các tiểu thương lường trước nhưng không ngờ “thị trường quất cảnh lại ảm đạm, bết bát đến thế”.
Cũng theo chị Phương, quất là loại cây cảnh truyền thống được rất nhiều gia đình mua về chơi trong những ngày tết, thường thì mọi năm đây sẽ là mặt hàng cây cảnh bán rất chạy. Dự báo năm nay người dân sẽ tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu mua sắm. Nếu so với tết năm 2023, các tiểu thương bán quất đều chủ động giảm giá 20 – 30% nhưng lượng người mua sụt giảm rất mạnh khiến các gian hàng đều rơi vào tình trạng ế ẩm.
“Quất cảnh bonsai, quất mini loại hàng đẹp, hàng độc thì vẫn có khách mua với giá cao nhưng số này không nhiều. Còn lại phần lớn là loại hàng bình dân, hàng phổ thông mọi năm đều tiêu thụ mạnh nhưng năm nay bán rất chậm nên tùy vào lượng hàng tồn, các thương lái sẽ tính toán thời điểm xả hàng, đại hạ giá để sớm bán hết hàng trước tết”, chị Phương nói.