Sau hơn 40 năm cất giữ, hai pháp khí đóa sen và con ốc trên trên tượng Bồ tát Tara đã được người dân bàn giao cho ngành văn hóa.
Chiều 9/12, Bảo tàng Quảng Nam bàn giao hai chi tiết con ốc và đóa sen bằng đồng gắn trên tượng Bồ tát Tara Đồng Dương cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng.
Tượng Bồ tát Tara là một trong các hiện vật quan trọng bậc nhất trong quỹ hiện vật vốn phong phú và giá trị của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đây là bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận trong đợt đầu năm 2012.
Tháng 8/1978, một người dân thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình, Quảng Nam) trong lúc nhặt gạch Chăm từ Phật viện Đồng Dương về làm nhà tình cờ phát hiện pho tượng quý. Tượng bị vùi lấp sâu 3 mét dưới tháp Sáng, ngọn tháp duy nhất sót lại ở nơi từng là Phật viện lớn nhất Đông Nam Á vào thế kỷ 9.
Tượng cao 114 cm được làm bằng đồng, mang hình dáng Bồ tát Laksmindra Lokesvara (còn gọi là Bồ tát Tara), vẫn còn nguyên vẹn sau hơn nghìn năm nằm sâu dưới lòng đất.
Mắt và trán tượng được khảm đá quý, nét mặt vừa nghiêm trang, thánh thiện nhưng cũng hoang sơ, trần tục. Phần thân trên tượng để trần, phần dưới khoác sarong hai lớp, ôm sát hông đùi đến tận mắt cá. Tay phải tượng xòe ra đỡ bông sen búp, tay trái đỡ bông sen đã nở. Đây được đánh giá là tượng độc bản có niên đại nghìn năm và có giá trị nghệ thuật đỉnh cao.
Sau khi phát hiện, bức tượng được người làng Đồng Dương cất giấu rất kỹ và xem đó như báu vật chung của cả làng. Sau nhiều cuộc tranh cãi giữa chính quyền và người dân, cuối cùng bức tượng được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chămpa TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, người dân đã tháo gỡ phần đóa sen và con ốc cầm trên tay Bồ tát Tara để cất giữ.
Cơ quan chức năng nhiều lần đề nghị nhưng mãi đến năm 2019 người dân mới đồng ý giao lại hai pháp khí cho Bảo tàng Quảng Nam. Hai địa phương sau đó thống nhất chuyển hai chi tiết của tượng cho Đà Nẵng quản lý.
“Việc chuyển giao hai chi tiết này cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm để bảo vật được hoàn chỉnh và phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam nói.
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vỹ đánh giá tượng Bồ tát Tara là hiện vật quan trọng nhất của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Lâu nay, tượng thiếu hai chi tiết quan trọng nên giảm giá trị hiện vật.
“Con ốc và đóa sen là hai pháp khí tượng trưng cho sự tinh khiết, tình yêu và sự sinh sôi nảy nở, niềm hy vọng của muôn loài trên thế gian. Hai chi tiết được đưa về với tượng gốc giúp hoàn thiện bảo vật và di sản văn hóa Chăm”, ông Vỹ nói.
Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết thời gian tới sẽ quảng bá để người dân, du khách biết thêm về hiện vật tượng Bồ tát Tara Đồng Dương hoàn chỉnh cũng như văn hóa Chăm ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
“Chúng tôi có kế hoạch hoàn thiện hiện vật tổng thể với thủ pháp phù hợp, nghiên cứu cẩn thận về sự gắn kết. Trong đó tính đoán đến phương án trưng bày kết hợp 3D”, ông Vỹ nói thêm.
Theo nhiều tài liệu về lịch sử Vương quốc Chămpa, năm 875, vua Indravarman II cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều có tên Tara, một biến thân của Quan thế âm Bồ Tát. Tương truyền trong Phật giáo, nữ thánh Tara có tấm lòng cứu độ đại từ bi đầy quyền lực. Xúc động trước nỗi khổ cực của trần thế, có một lần Quan thế âm Bồ Tát rỏ những giọt lệ và hòa quyện thành một biến thân mới có tên là Tara.
Tên của kinh đô mới là Indrapura, hay còn gọi là kinh thành sấm sét được xây dựng trên mảnh đất của làng Đồng Dương ngày nay. Đây cũng là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Chămpa, Phật giáo hưng thịnh và được coi trọng hơn những tôn giáo khác.
Đắc Thành – Nguyễn Đông