Reuters dẫn lời ông Oleksandr Shtupun, người phát ngôn lực lượng miền nam Ukraine, nhận định rằng Nga xem Avdiivka là cơ hội giành được chiến thắng đáng kể và theo đó “đảo chiều cuộc giao tranh”.
Tình thế căng thẳng ở Avdiivka
Hôm 12.10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận lực lượng Kyiv đang nỗ lực giữ vững phòng tuyến ở Avdiivka, thị trấn trong tuần đã trở thành mục tiêu tấn công dồn dập của quân Nga.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 595 có diễn biến gì nóng?
Giới chức Ukraine cho biết phía Nga đưa một số lượng hùng hậu các binh sĩ và vũ khí đến Avdiivka sau vài tháng bao vây nơi này.
Đến thời điểm hiện tại, quân Nga được cho là đang thực hiện đợt tấn công lớn nhất vào thị trấn kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2.2022.
Các nguồn tin Nga cũng cho hay cuộc giao tranh trở nên ác liệt hơn bao giờ hết xung quanh Avdiivka, trong bối cảnh Moscow chuyển sang giai đoạn đẩy lùi các đợt phản công của quân Ukraine kể từ khi chính quyền Kyiv triển khai chiến dịch phản công ở miền đông và miền nam.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Mỹ) cho rằng việc Nga gia tăng sức ép ở Avdiivka có lẽ là nhằm “trói chân” lực lượng Ukraine, ngăn chặn đối phương bổ sung binh lực đến những khu vực khác của tiền tuyến.
Về những ngôi làng xung quanh Avdiivka, ISW cho biết những hình ảnh được xác nhận vị trí địa lý trong hai ngày 10-11.10 xác nhận các đơn vị Nga tiến quân đến gần làng Sieverne ở hướng tây nam thị trấn, và áp sát làng Stepove, Krasnohorivka ở hướng tây bắc.
Nga “phòng thủ co giãn”, linh hoạt để chống phản công của Ukraine
Nga chưa bình luận về những thông tin trên, nhưng Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho hay lực lượng nước này đang cải thiện vị thế tiến quân gần Avdiivka. Các đơn vị Nga cũng nhận được sự yểm trợ của máy bay và pháo binh ở khu vực.
Nga xúc tiến ngừng phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân
Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) vào tuần sau sẽ tổ chức phiên bỏ phiếu về dự luật rút khỏi Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT).
Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia, cho biết phiên giới thiệu dự luật dự kiến diễn ra hôm 17.10 và quy trình được hoàn tất trong vòng 2 ngày.
Ông Slutsky khẳng định toàn bộ 450 thành viên Duma Quốc gia sẽ ủng hộ dự luật, mở đường cho Nga chính thức rời khỏi Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện.
Nga đã phê chuẩn hiệp ước trên từ năm 2000. Mỹ ký kết nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước này.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho hay: “Trong 23 năm qua, chúng tôi đợi Washington phê chuẩn hiệp ước. Chuyện gì xảy ra đây? Áp dụng tiêu chuẩn kép, thái độ ích kỷ và vô trách nhiệm” Ông còn nói thêm rằng đã đến lúc Nga hành động vì lợi ích của người dân nước này.
Tổng thống Putin: Xung đột Hamas-Israel cho thấy chính sách của Mỹ thất bại
CTBT được 187 nước ký kết, trong số này 178 nước phê chuẩn. Tuy nhiên, đến nay hiệp ước vẫn chưa được thi hành cho đến khi được 8 nước cụ thể ký kết và phê chuẩn. Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn. CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan thậm chí chưa ký.
Tổng thống Nga thăm Kyrgyzstan
Cũng trong ngày 12.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Kyrgyzstan trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague (Hà Lan) phát lệnh bắt nhà lãnh đạo vào tháng 3.
Chủ nhân Điện Kremlin hiếm khi rời khỏi Nga kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo thông tin chính thức, ông Putin cũng chưa rời khỏi Nga sau khi lệnh bắt của ICC.
Đến ngày 25.9, Nga thông báo đã đưa tên thẩm phán Piotr Hofmanski, Chủ tịch ICC vào danh sách truy nã, 6 tháng sau khi Tổng thống Nga bị tòa án này phát lệnh bắt.
Nga chính thức truy nã Chủ tịch Tòa Hình sự Quốc tế
Trong chuyến công du Kyrgyzstan, ông Putin tham dự buổi lễ đánh dấu 20 năm thành lập căn cứ không quân Kant của Nga ở ngoại ô thủ đô Bishkek.
“Căn cứ quân sự này đã đóng góp đáng kể để nâng cấp năng lực phòng thủ của Kyrgyzstan và đảm bảo an ninh, ổn định cho cả khu vực Trung Á”, nhà lãnh đạo Nga cho biết. Ông dự kiến Moscow sẽ tiếp tục tăng cường các quan hệ quân sự với Bishkek.
Chuyến thăm cũng trùng với thời điểm Kyrgyzstan tổ chức hoạt động diễn tập quân sự của khối quân sự do Nga dẫn đầu.