Quân đội chính quyền Myanmar đã chiến đấu với liên minh quân đội dân tộc thiểu số kể từ cuối tháng 10 năm ngoái. Đặc biệt, bạo lực đã gia tăng dữ dội dọc biên giới phía bắc với Trung Quốc trong những tuần gần đây.
Cuộc tấn công chung của các nhóm nổi dậy đã gây ra thách thức lớn cho chính quyền quân sự Myanmar và cả mối lo ngại ở Trung Quốc về khả năng gián đoạn thương mại biên giới và dòng người tị nạn.
Một thủ lĩnh giấu tên của một nhóm nổi dậy trong liên minh đã nói hôm thứ Sáu rằng “Liên minh ba anh em” và quân đội đã đồng ý “ngừng bắn mà không tiến thêm”.
Ông nói: “Về phía (liên minh), thỏa thuận là kiềm chế các cuộc tấn công vào các trại hoặc thị trấn của đối phương. Về phía quân đội, thỏa thuận là không tham gia vào các cuộc tấn công thông qua không kích, bắn phá hoặc sử dụng vũ khí hạng nặng”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu cho biết các cuộc đàm phán hòa bình đã được tổ chức tại thành phố Côn Minh của Trung Quốc vào ngày 10-11/1, nơi “hai bên đã đồng ý ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt giao tranh”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning cho biết cả hai bên cũng cam kết không làm hại người dân ở biên giới Trung Quốc. Bà nói: “Trung Quốc hy vọng rằng tất cả các bên liên quan ở Myanmar sẽ nghiêm túc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được và thực hiện kiềm chế tối đa”.
Trung Quốc hồi tháng trước cũng cho biết các bên đã đồng ý ngừng bắn tạm thời và duy trì đối thoại. Nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn ở phía bắc bang Shan và các khu vực khác ở biên giới với Trung Quốc vào tuần trước.
Theo Liên hợp quốc, hơn 300.000 người đã phải di dời do bạo lực gần đây, nâng tổng số người Myanmar phải sơ tán lên hơn 2 triệu người kể từ nước này rơi vào bất ổn sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Bùi Huy (theo Reuters, ABC News, Guardian)