Kinhtedothi – Sáng 19/12, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) Nguyễn Trọng Kỳ Anh đã báo cáo về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn TP.
Phê duyệt 9 Quy hoạch chung liên quan đến khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống
Theo đó, khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng và sông Đuống đoạn đi qua TP Hà Nội có tổng diện tích khoảng 23.551ha, thuộc 17 quận, huyện và thị xã Sơn Tây, liên quan đến khoảng 363.987 nhân khẩu. Trong đó tuyến sông Hồng có khoảng hơn 339.000 người, gồm 86.056 hộ dân; tuyến sông Đuống có 24.585 nhân khẩu, với 6.022 hộ gia đình).
Tổng chiều dài tuyến đê sông Hồng đoạn qua địa bàn TP Hà Nội dài 130km (trong đó tuyến đê phía bờ hữu dài 114,089km, phía bờ tả dài 48,781km). Tổng chiều dài tuyến đê Sông Đuống đoạn qua địa bàn TP dài 22km (trong đó đê phía bờ hữu dài 21,5km, phía bờ tả dài 22,5 km).
Thời gian qua, công tác quy hoạch được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, quản lý quy hoạch có chuyển biến rõ rệt, hoàn thành cơ bản các quy hoạch sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ với khối lượng lớn các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, các quy hoạch ngành và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đã được phê duyệt, chất lượng được quan tâm, từng bước được nâng cao.
Căn cứ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại công văn số 17/BXD-KTQH ngày 13/4/2012, UBND TP đã chỉ đạo tổ chức lập và hoàn thành phê duyệt 32/32 quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung xây dựng huyện, trong đó bao gồm 9 Quy hoạch chung xây dựng huyện, thị xã, thị trấn, đô thị vệ tinh liên quan đến khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống; với quy hoạch phân khu, đã triển khai Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây và đô thị vệ tinh Phú Xuyên được duyệt. UBND TP đã phê duyệt 3/3 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị liên quan đến khu vực sông Hồng…
Đối với khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống trong khu vực phát triển đô thị trung tâm, với mục tiêu, tính chất đặc trưng của hành lang xanh sông Hồng, sông Đuống được quy định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, khu vực có yếu tố cảnh quan, văn hóa, lịch sử đa dạng, trong bối cảnh hiện trạng tồn tại phức tạp và quy định pháp luật chặt chẽ, UBND TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức triển khai quyết liệt việc lập, thẩm định và UBND TP đã phê duyệt đối với 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị quan trọng: Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống tỷ lệ 1/5.000.
“Các đồ án có tính chất đặc thù, phức tạp, lần đầu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn TP cũng như cả nước. TP đã có chủ trương thi tuyển chọn phương án, mời tư vấn nước ngoài thực hiện một số đồ án nhằm nâng cao tính khả thi, tiếp cận công nghệ hiện đại kết hợp bảo tồn các giá trị truyền thống, phát triển du lịch” – Giám đốc Sở QH-KT cho biết.
Gắn trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra vi phạm kéo dài
Một số kết quả cụ thể về kết quả công tác rà soát các khu vực bến bãi, theo Giám đốc Sở QH-KT, hiện nay, dọc các tuyến sông thuộc địa bàn TP có tổng số 188 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, trong đó có 42 bến bãi được UBND TP cho thuê đất, giao đất để thực hiện hoạt động tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng và hoạt động Cảng, sản xuất vật liệu xây dựng (có phép). Hiện có 122/188 bãi đang hoạt động và 66/188 bãi đang tạm dừng hoạt động.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đã được UBND TP chỉ đạo cụ thể, trong đó giao UBND các quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm có trách nhiệm lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ… chuyển Sở NN&PTNT xác nhận phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và thỏa thuận của Bộ NN&PTNT, làm cơ sở để quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng… trong giai đoạn tiếp theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Quản lý chặt hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch. Có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ theo quy định; không để phát sinh thêm về số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông. Đồng thời rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn (theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều) và các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm.
Về giải pháp trong thời gian tới, TP sẽ tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài nhưng xử lý không kiên quyết, dứt điểm. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất bãi sông, bãi giữa, trong hành lang bảo vệ đê điều bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật về đất đai, đê điều và các quy định pháp luật liên quan; kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền đối với diện tích đất bãi sông, bãi giữa, trong hành lang bảo vệ đê điều sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-quan-ly-chat-hanh-lang-bao-ve-de-dieu-dat-bai-song-bai-noi.html