Các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã cố gắng dùng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để phá hủy một tổ hợp Patriot của Ukraine tuần trước nhưng bất thành và bị Kiev bắn hạ.
Không quân Ukraine tuyên bố họ đã đánh chặn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga vào đêm 4/5. Trao đổi với CNN về tình huống dẫn đến sự việc này, hai quan chức Mỹ giấu tên tin rằng Nga khi đó bắt được tín hiệu của tổ hợp phòng không Patriot và quyết định tập kích bằng tên lửa Kinzhal. Tuy nhiên, đòn tấn công của Kinzhal thất bại và quân đội Ukraine sử dụng Patriot bắn hạ tên lửa siêu vượt âm này.
Phòng không Ukraine “khai hỏa nhiều tên lửa Patriot từ các góc khác nhau để chặn tên lửa Nga”, một quan chức Mỹ nói và nhận định điều này cho thấy “binh sĩ Ukraine đã vận hành thành thạo tổ hợp”.
Tổ hợp Patriot có một radar cực mạnh để phát hiện mục tiêu đang bay tới từ xa, giúp đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay của đối phương. Tuy nhiên, đối phương có thể phát hiện và tìm ra vị trí của tổ hợp Patriot bằng tín hiệu radar tầm xa này.
Các quan chức Mỹ cho biết có nhiều cách “để ngụy trang tín hiệu radar của Patriot ở mức độ nào đó”, song lực lượng Nga vẫn có thể tìm được vị trí sơ bộ của trận địa Patriot của Ukraine bên ngoài thủ đô Kiev.
Khi được hỏi về tuyên bố của Ukraine, chuẩn tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói rằng tổ hợp Patriot của Ukraine “hạ một tên lửa Nga”, song không đề cập đến Kinzhal.
Một quan chức quốc phòng Nga ngày 11/5 nhận định thông tin tên lửa siêu vượt âm Kinzhal bị bắn hạ “chỉ là nỗ lực truyền bá ảo tưởng”. Theo người này, thông báo hạ tên lửa Nga mà quân đội Ukraine đưa ra “là nỗ lực bào chữa cho tốc độ tiêu thụ đạn tên lửa phòng không quá cao và quảng bá về hiệu quả các tổ hợp mà họ vận hành”.
MIM-104 Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Biến thể PAC-2, hay MIM-104C, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 96 km và bay cao hơn 32.000 m, theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.
Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, còn gọi là MIM-104F, là bản nâng cấp gần như toàn bộ có khả năng diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Ukraine đã nhận được ít nhất hai tổ hợp Patriot, một của Đức và một của Mỹ, nhằm tăng cường năng lực phòng không để đối phó với các loại tên lửa hiện đại mà Nga sử dụng. Nga tuyên bố các tổ hợp Patriot trong biên chế quân đội Ukraine là “mục tiêu hợp pháp” và cảnh báo sẽ tập kích vị trí triển khai.
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh, tương đương hơn 6.200 km/h. Nhờ quỹ đạo bay phức tạp và tốc độ rất cao, vũ khí siêu vượt âm có khả năng sát thương cao hơn và gần như không thể bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ hiện nay.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm 2018. Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3/2022, khi tấn công một kho vũ khí lớn ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cho rằng Kinzhal là “vũ khí có tác động lớn nhưng không tạo ra nhiều khác biệt, ngoại trừ việc gần như không thể bị đánh chặn”.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)