Ông Lâm Bội Minh mỗi ngày đạp xe hơn 15 km giao cà phê khắp Sài Gòn, gây dựng nên doanh nghiệp trị giá 400 triệu USD và chuyển nhượng mở rộng chuỗi, sau 55 năm.
“Bụng đói thì kiếm việc làm”, ông Lâm Bội Minh mô tả những ngày đầu lập nghiệp. Nghề làm trà vốn là của cha ông, ngày tháng ấu thơ ra vào xưởng giúp hình thành khái niệm về lá trà, hạt cà phê. Năm 1968, khi tròn 16 tuổi, ông làm công cho bến xe vận tải hàng hóa. Lúc này ông mới được truyền cảm hứng, dần yêu vị trà rồi từ đó bắt tay khởi nghiệp, bán lá trà, hạt cà phê rang xay. Hết giờ làm công lại về mở tiệm bán nguyên liệu trà và cà phê, gian hàng chỉ là một chiếc xe đẩy đặt ở đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP HCM ngày nay.
Giấc mộng ngành trà
Năm 1975, ông có cửa hàng thứ hai tại 307 Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM. Bên cạnh việc bán lá trà, hạt cà phê, quán có thêm thức uống – cà phê phin. Vài năm sau, ông dời điểm bán, cũng trên đường Lê Văn Sỹ và duy trì đến hơn mười năm.
Quán do ông vừa làm chủ vừa làm công, đảm nhận từ mua nguyên liệu cho đến rang xay, giao hàng. Dưới cái nắng gắt Sài Gòn, hàng ngày ông phải đạp xe đến quận 6 lấy hàng rồi đi giao khắp nơi trong thành phố. Có lần đạp đến cầu Lê Văn Sỹ, áo ướt sũng mồ hôi. Để đỡ ngại với chủ quán, ông đứng trên cầu cho gió lùa khô áo rồi mới guồng chân đạp tiếp.
Chờ chủ quán trả tiền, ông mới có vốn để mua nguyên liệu cho ngày sau, có hôm chủ khất hẹn nợ, ông Minh chỉ biết ngậm ngùi ra về. Ngày qua ngày, ông tích lũy vốn, thuê thêm một góc nhỏ ở sau chợ Lê Văn Sỹ tự rang xay cà phê và giao các mối. Ông tự đứng chảo rang, mỗi mẻ hơn một tiếng có ngày rang hơn 120 kg cà phê, hai tay muốn rạc đi vì mỏi nhưng vẫn không ngừng nỗ lực.
Năm 1980, ông Lâm Bội Minh lần đầu tiên thử nghiệm mô hình mới: cafe pha máy, bán tại 63 Mạc Thị Bưởi. Cửa hàng vỏn vẹn 9 m2 nhưng chính nơi đây đã đánh dấu cột mốc của Phúc Long tiến vào ngành F&B. Cũng từ đây, thương hiệu đạt nhiều dấu mốc quan trọng trong suốt hành trình phát triển về sau.
Những năm 90, nhà sáng lập cùng đội ngũ không ngừng cải thiện sản phẩm, mở rộng chi nhánh. Năm 2007, Phúc Long phát triển đồi chè tại Thái Nguyên; đồng thời đầu tư nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương với mục tiêu đảm bảo nguyên liệu chất lượng, phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Từ ly trà truyền thống đến thức uống sáng tạo
Làm trà, ông mua trà thô về tự phân loại. Trước mặt đặt gần 10 cái rổ, ông tỉ mẩn chia ra từng loại: cám, bạch mao cánh lớn – cánh nhỏ 3 -10 ly, lá càng nhuyễn lại càng ngon. Với mỗi loại nguyên liệu, ông đóng gói, đề giá riêng. Thứ trà ngon nhất được mang đi dầm, ủ thủ công, kết hợp nước siro để tạo thành trà trái cây.
Với sự sáng tạo không ngừng, ông Lâm Bội Minh nghiên cứu để biến trà truyền thống trở thành thức uống độc đáo, phù hợp với xu hướng hiện đại và sở thích của giới trẻ. Ông dùng trà tươi nguyên lá ủ lấy cốt và pha cùng trái cây, siro để mang đến các món uống đậm vị, thơm nồng. Phương pháp chế biến vẫn tuân thủ quy trình thủ công từ sàng lọc đến ủ trà, dầm trà bằng tay để có thể chiết xuất vị đậm đắng, hương thơm, cái chát đặc trưng nhưng ngay sau là chất ngọt hậu. Quy trình chọn lọc từ nơi vun trồng đến sàng lọc, sấy trà, về sau tự sản xuất siro theo công thức riêng để tối ưu chất lượng, theo tiêu chí mà nhà sáng lập đề ra: tự sản – tự tiêu (sản xuất – tiêu thụ) đảm bảo chất lượng ngon nhất và tươi mát nhất. Đây là bí quyết để ông tạo nên những thức uống độc đáo, thú vị và chất lượng.
Khi được hỏi, vì sao ông có thể sáng tạo các thức uống này, ông Lâm Bội Minh nói: “Nghề dạy nghề”. Ở thời của ông, không có trường lớp nào dạy làm trà, rang chọn cà phê, chỉ có trường đời trui rèn kinh nghiệm. Ông rang nhiều cà phê đến độ, ngửi qua mùi có thể biết đó loại gì, từ vùng nào tới, rang tỷ lệ bao nhiêu, vừa xay hôm qua hay đã trữ cả tháng. Trà cũng như thế, đôi tay sàng lọc, ủ trà hơn năm thập kỷ, vừa làm vừa suy diễn, mường tượng những công thức, cách phối kết sao cho tròn vị, độc đáo nhất.
Trà trái cây Phúc Long (trà đào, trà vải và trà thảo mộc) vừa ra đời đã tạo ra cơn sốt. Thu hút sự quan tâm của thị trường, kinh doanh ngày một mở rộng.
Bước chuyển mình cho nỗ lực vươn xa
Năm 2012, Phúc Long đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) bằng việc mở cửa hàng tại Crescent Mall, một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển. Tại đây, Phúc Long chuyển sang mô hình tự phục vụ trong một không gian hiện đại và thu hút sự chú ý của khách hàng. Một thập kỷ tiếp theo, thương hiệu tiếp tục mở rộng với tiến độ chậm rãi cùng phương châm: “Chất lượng khởi nguồn từ đam mê”. Từ hai cửa hàng vào thập niên 80, bốn thập niên sau đó, Phúc Long đạt cột mốc 70 quán.
Vào giữa năm 2020, ông Lâm Bội Minh quyết định chuyển nhượng thương hiệu Phúc Long cho một tập đoàn có quy mô và tầm nhìn lớn hơn. Quyết định này có ý nghĩa trong sự phát triển của Phúc Long, thay đổi cách thức thương hiệu này hoạt động và phát triển.
Nhà sáng lập Phúc Long tin tưởng rằng với tầm nhìn và quy mô của tập đoàn, Phúc Long sẽ trở thành một biểu tượng của thương hiệu trà và cà phê Việt Nam trên toàn thế giới. Mục tiêu của ông là duy trì giá trị cốt lõi và hương vị truyền thống, kết hợp với phong cách thưởng thức hiện đại, đưa sản phẩm đến với nhiều người dùng hơn.
“Chuyển nhượng thương hiệu Phúc Long đánh dấu một giai đoạn mới, giúp thương hiệu tiếp tục phát triển, mang đến hương vị độc đáo của thức uống bản địa Việt Nam cho tín đồ yêu trà, cà phê mọi châu lục, đó là tâm nguyện của tôi”, ông Lâm Bội Minh cho biết.
Minh Tú