Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 39 tuổi đến khám trong tình trạng căng thẳng lo âu, mất ngủ dài ngày.
Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 39 tuổi đến khám trong tình trạng căng thẳng lo âu, mất ngủ dài ngày ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân gia đình và công việc.
Bác sĩ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho bệnh nhân. |
Theo Ths.Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, trường hợp bệnh nhân nữ 39 tuổi đến thăm khám tại trung tâm có tiền sử khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền.
Bệnh nhân đến khám vì quan hệ vợ chồng không tốt mặc dù công việc ổn định, không gặp áp lực chuyện con cái. Các bác sĩ Trung tâm Y học giới tính Hà Nội chỉ định bệnh nhân nữ thực hiện siêu âm tuyến giáp, tuyến vú, ổ bụng, điện tim, xét nghiệm mỡ máu, đánh giá chức năng gan thận, công thức máu để tầm soát nguy cơ ung thư.
Sau khi đảm bảo không có nguy cơ ung thư, bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết, bổ sung estrogen…
Bác sĩ cũng tư vấn bệnh nhân cần tập thể dục ít nhất 4 buổi/ tuần, giải tỏa áp lực căng thẳng và dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, tập yoga, đi dạo…Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung các thực phẩm như: đậu nành, ngũ cốc, hạt hướng dương, giá đỗ…
Sau điều trị nhiều bệnh nhân có cải thiện rõ rệt tình trạng bốc hỏa, giảm căng thẳng, trầm cảm, lo âu, cải thiện sinh lý, da căng bóng, cải thiện trí nhớ, độ tập trung.
Trong một vài trường hợp liệu pháp nội tiết còn phòng ngừa loãng xương, giảm nguy cơ tim mạch, giảm rối loạn tiểu tiện, nhiễm trùng tiết niệu.
Theo Ths.Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, nếu phụ nữ gặp tình trạng như nữ bệnh nhân trên kéo dài từ 3 đến 6 tháng và không tự cải thiện được thì cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị.
Được biết, đầu tư chăm sóc sức khỏe phụ nữ là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn cầu, không riêng gì của Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, số trường hợp suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ đã tăng 25%, từ 5,5 triệu lên 6,9 triệu người.
Báo cáo của UNICEF được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu về nữ giới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo cơ quan này, hơn 1 tỷ phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng.
Tình trạng này sẽ khiến họ thiếu cân và thấp bé hơn mức phát triển hình thể trung bình, do thiếu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu và thiếu máu.
Hầu hết những trường hợp này sống tại những khu vực nghèo nhất thế giới, trong đó tại Nam Á và châu Phi cận Sahara có tới 68% số phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên bị thiếu cân và 60% bị thiếu máu.
UNICEF cho biết sự thiếu hụt dinh dưỡng trên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến con cái của họ, đồng thời lưu ý rằng “tình trạng dinh dưỡng kém sẽ di truyền qua nhiều thế hệ.”
Suy dinh dưỡng không chỉ làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh, mà còn có thể “làm suy giảm sự phát triển của thai nhi, để lại những hậu quả suốt đời đối với sự tăng trưởng, khả năng học tập và địa vị xã hội sau này của trẻ.”
Báo cáo của UNICEF nêu rõ, toàn cầu hiện có 51 triệu trẻ em dưới 2 tuổi bị thấp còi. Ước tính khoảng 50% số trẻ em này bị còi cọc từ trong bụng mẹ và 6 tháng đầu đời, khi trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào dinh dưỡng của người mẹ.
Theo giới chuyên gia, trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, số trường hợp suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ đã tăng 25%, từ 5,5 triệu lên 6,9 triệu người, tại 12 quốc gia đang gặp khủng hoảng lương thực là Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Kenya, Mali, Niger, Nigeria, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Chad và Yemen.
UNICEF nhấn mạnh, nếu không có hành động khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế, hậu quả có thể kéo dài cho các thế hệ tương lai. Để ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, chúng ta cũng phải giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.
Bên cạnh đó, UNICEF kêu gọi chính phủ các nước cần dành sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng, đồng thời thực hiện các biện pháp bắt buộc nhằm mở rộng tăng cường vi chất dinh dưỡng trên quy mô lớn đối với các loại thực phẩm được tiêu thụ hằng ngày, như bột mì, dầu ăn và muối, để giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và thiếu máu ở trẻ em gái và phụ nữ.
Nguồn: https://baodautu.vn/phu-nu-trung-nien-can-luu-y-gi-de-dam-bao-suc-khoe-d219850.html