Mật độ xương thấp khiến phụ nữ trung niên giảm chiều cao, đau lưng, hạn chế khả năng vận động, dễ mất răng.
Phụ nữ có nguy cơ yếu, giòn xương hơn nam giới, nhất là sau tuổi trung niên. Tình trạng này do thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh. Xương yếu dẫn đến giảm khả năng vận động, sức khỏe răng miệng kém. Phái đẹp có thể nhận biết dấu hiệu suy giảm sức khỏe xương dưới đây.
Gãy xương: Mật độ xương thấp khiến xương yếu và dễ gãy hơn. Gãy xương có thể xảy ra ở cột sống, cổ tay, hông và các bộ phận khác trong cơ thể.
Đau lưng: Gãy xương liên quan đến mật độ xương thấp ở cột sống gây đau lưng nghiêm trọng, có thể liên tục hoặc không liên tục. Đau lưng có thể được cải thiện (sau vài ngày đến vài tuần) tùy vào nguyên nhân và chăm sóc đúng cách như nghỉ ngơi đầy đủ, chườm nóng hoặc chườm lạnh, sử dụng thuốc.
Giảm chiều cao: Tình trạng này có liên quan đến lão hóa xương, cơ, khớp, là dấu hiệu của loãng xương. Ở độ tuổi 40, trung bình một người thường giảm khoảng 1 cm cứ sau 10 năm. Nguyên nhân do sụn giữa các xương mòn đi theo thời gian, mất mật độ khoáng xương, gãy xương cột sống hoặc khoảng cách giữa các đốt sống.
Gù lưng phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân. Các đốt sống bị gãy dẫn đến cong vẹo cột sống; thường xảy ra ở xương yếu, do nén, không có triệu chứng rõ rệt. Tình trạng này dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được điều trị sớm, như hạn chế chức năng cơ học, ảnh hưởng tiêu hóa…
Mất răng: Mất xương liên quan đến mật độ xương thấp cũng có thể ảnh hưởng đến xương hàm, gây mất răng.
Giảm khả năng vận động: Gãy xương và các biến chứng khác do mật độ xương thấp có thể giảm khả năng vận động và tăng nguy cơ té ngã. Khả năng vận động kém có thể khiến các khớp cứng, đau nhức, tham gia hoạt động hoặc công việc hàng ngày cũng khó khăn hơn.
Cách cải thiện sức khỏe xương
Tập thể dục: Vận động thường xuyên giúp tăng sức mạnh xương và cơ, nhờ đó ngăn ngừa loãng xương. Nữ giới đi bộ, chạy bộ, chơi tennis, đạp xe và khiêu vũ giúp cải thiện sức khỏe xương, hỗ trợ giảm cân.
Bổ sung canxi: Lượng canxi được khuyến nghị hàng ngày dành cho người lớn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương từ thấp đến trung bình là 1.000 mg. Người có nguy cơ cao như phụ nữ mãn kinh và sau mãn kinh là 1.200 mg.
Thực phẩm giàu canxi gồm các sản phẩm từ sữa (nên dùng loại ít béo); cá hồi và cá mòi; các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh…
Không hút thuốc lá, tránh rượu, bia: Hút thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất estrogen, trong khi quá nhiều rượu có thể làm hỏng xương, tăng nguy cơ té ngã.
Bổ sung vitamin D: Cơ thể sử dụng vitamin D để hấp thụ canxi. Phơi nắng khoảng 30 phút mỗi ngày, tăng cường ăn các món như trứng, cá béo, ngũ cốc và sữa để cung cấp thêm vitamin D cho cơ thể. Phái nữ sử dụng thêm sản phẩm hỗ trợ cần bác sĩ tư vấn về liều lượng tránh hại sức khỏe.
Lê Nguyễn (Theo Hindustan Times)