(Dân trí) – Đây là câu hỏi mà các chuyên gia giáo dục đặt ra khi đề cập đến câu chuyện xung đột văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa.
Hình xăm và câu chuyện xung đột văn hóa trong thời đại số
Một trong những chủ đề nổi bật tại tọa đàm đầu tiên của chuỗi sự kiện “Góp 1 tiếng nói đổi mới giáo dục” là vấn đề xung đột văn hóa trong gia đình và nhà trường, được chuyên gia giáo dục Đặng Đình Long dẫn chứng qua câu chuyện về hình xăm.
Ông Long nêu thực trạng, trong khi giới trẻ tiếp xúc với văn hóa phương Tây và xem hình xăm là một hình thức tự do cá nhân thì nhiều bậc cha mẹ phản đối mạnh mẽ.
Một học sinh tham gia tọa đàm chia sẻ rằng em rất thích hình xăm nhưng e ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến ước mơ trở thành giáo viên của mình. “Một giáo viên có hình xăm sẽ khó được chấp nhận,” nữ sinh nói.
Bà Phạm Hoài Thu, nhà sáng lập trường Maya, cũng kể lại kinh nghiệm của mình khi từng muốn xăm hình sau khi sinh con, nhưng không được gia đình chấp thuận. Bà cũng từng chứng kiến một phụ huynh từ chối cho con vào học tại Maya vì có giáo viên sở hữu hình xăm hoặc xỏ khuyên mũi.
Câu chuyện này làm bà trăn trở về cách mà xã hội và gia đình phản ứng với những thay đổi về phong cách cá nhân của người trẻ.
Bà Thu đặt câu hỏi: “Nếu tôi có hình xăm, liệu các phụ huynh có bỏ trường không?”.
Một phụ huynh đã thẳng thắn trả lời rằng họ sẽ không làm vậy. Nhưng nếu con mình muốn xăm, bà sẽ khuyên con suy nghĩ kỹ về ý nghĩa và hình thức thể hiện bản thân, đồng thời cân nhắc tác động xã hội xung quanh.
Chuyên gia Đặng Đình Long nhận định, hình xăm chỉ là một trong nhiều biểu hiện của xung đột văn hóa giữa các thế hệ.
Ông cho rằng các thay đổi về phục trang, hình ảnh cá nhân thường xuyên diễn ra dưới ảnh hưởng của những trào lưu xã hội. Nhiều thập kỷ trước, người Việt cũng từng định kiến về kiểu tóc hoặc phong cách ăn mặc khác lạ. Hành vi này cần được nhìn nhận là một phần của sự sáng tạo và khám phá bản thân, hơn là một thước đo đạo đức.
Đối với những bậc phụ huynh và nhà giáo dục, sự đồng hành, lắng nghe và dẫn dắt sẽ là yếu tố quan trọng giúp con trẻ vượt qua những thử thách, băn khoăn trong việc tìm kiếm bản sắc cá nhân.
Ông Long cũng nhấn mạnh, các xung đột gia đình nếu không được giải quyết có thể ảnh hưởng đến môi trường giáo dục trong nhà trường, gây nên những xung đột sâu sắc giữa người học và các giá trị giáo dục.
Đổi mới giáo dục không chỉ là thay đổi phương pháp dạy học mà còn tạo dựng một không gian tôn trọng sự đa dạng và tự do cá nhân.
Trong đó, gia đình và nhà trường đóng vai trò như những “cầu nối” giữa cá nhân với giá trị truyền thống, hướng người học đến việc trở thành những công dân toàn cầu có bản sắc, vừa tự tin thể hiện cá nhân vừa hòa hợp với cộng đồng.
Giáo dục cá nhân hóa có tạo ra những đứa trẻ ích kỷ?
Trong câu chuyện xoay quanh quyết định của một học sinh về việc xăm hình, các chuyên gia đặt câu hỏi: Nếu một đứa trẻ kiên quyết theo đuổi sở thích này bất chấp lời khuyên từ gia đình, liệu có ích kỷ không?
Cũng từ đây, một vấn đề khác được đặt ra là: Liệu giáo dục cá nhân hóa có tạo ra những đứa trẻ ích kỷ hay không?
Bà Phạm Hoài Thu chia sẻ, những băn khoăn về giáo dục cá nhân hóa và tính cá nhân thường xuyên được phụ huynh đặt ra với bà.
Bà Thu giải thích, quá trình phát triển của trẻ có ba giai đoạn. 0-6 tuổi là giai đoạn trẻ hướng vào cá nhân, 6-12 tuổi trẻ hướng ra xã hội, 12-18 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển con người cá nhân có ý thức xã hội.
Đây cũng là giai đoạn trẻ muốn tìm kiếm sự công nhận của người khác đối với mình, vô tình trở thành người ích kỷ, nổi loạn trong mắt cha mẹ.
“Giáo dục trung học là giai đoạn nâng đỡ các con trong việc phát triển con người cá nhân có ý thức xã hội. Các con có năng lực gì, các con muốn làm gì, việc mà các con muốn làm có thể tạo ra được lợi ích gì cho xã hội, năng lực của các con có thể đóng góp gì cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
Đó là những điều mà thầy cô, nhà trường cần dẫn dắt để học sinh biết mình là ai, ý nghĩa của mình trong cuộc sống là gì và sống hài hòa với những người còn lại, chứ không phải chỉ biết đến mình. Đó mới thực sự là hành trình cá nhân hóa mà các trường đang thực hiện”, bà Thu khẳng định.
Bà Thu thừa nhận hành trình này rất “lớn lao và thách thức”, bởi giáo dục cá nhân hóa trong nhà trường đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực, thống nhất của giáo dục trong gia đình.
Ở góc nhìn khác, bà Trần Thị Hải Yến – Giám đốc điều hành một trường mầm non – nhấn mạnh yếu tố giáo dục cá nhân hóa giai đoạn 0-6 tuổi. Theo bà Yến, giai đoạn này, nếu trẻ hình thành lòng tự trọng và niềm tin mạnh mẽ vào bản thân thì hành trình trưởng thành của trẻ sau đó sẽ vững vàng hơn.
Bà Yến kể câu chuyện về con gái nhỏ luôn được đánh giá là ngoan bỗng một ngày nói với mẹ rằng sẽ nhuộm tóc 7 màu và xăm 1 hình.
“Dù bất ngờ, tôi chỉ biết nói với con hai chữ “tuyệt vời”. Con bảo con biết kiểu gì mẹ cũng nói “tuyệt vời”. Và con đã lên một kịch bản dự đoán các phản ứng của mọi người trước dung mạo mới của con.
Con có một niềm tin mạnh mẽ vào bản thân nên chưa bao giờ lo lắng người khác sẽ nói gì về mình”, bà Yến tâm sự.
Nhà giáo dục mầm non cũng khẳng định, niềm tin cá nhân mạnh mẽ ấy không thể xem là ích kỷ, chỉ biết tới mình. Đó là điểm tựa vững chắc để mỗi người bước chân ra xã hội hay bất kỳ nơi nào đều có thể hòa hợp và hòa đồng.
Bởi khi đủ tin tưởng chính mình, người ta dễ dàng chấp nhận sự khác biệt của người khác.
“Hãy chăm sóc điều tốt đẹp trong mỗi đứa trẻ, chúng ta sẽ có những đứa trẻ tuyệt vời”, bà Yến nhắn nhủ các bậc phụ huynh. Giáo dục cá nhân hóa là hành trình giúp trẻ tìm thấy mình, không phải để trở thành ích kỷ.
Không gian mở cho những cuộc đối thoại về đổi mới giáo dục
Tọa đàm đổi mới giáo dục trong thời đại số nằm trong chuỗi sự kiện “Góp một tiếng nói về đổi mới giáo dục” do Trường Phổ thông Liên cấp Song ngữ Maya tổ chức tại không gian Cộng Xưởng – Lễ hội Sáng tạo Liên ngành 2024 từ ngày 26/10 đến ngày 10/11.
Chuỗi sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng giáo dục, phụ huynh và học sinh thông qua các tọa đàm, hội thảo và các buổi thực hành giáo dục, nhấn mạnh vào sự phát triển toàn diện của người học.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/phu-huynh-nghi-gi-khi-giao-vien-co-hinh-xam-20241026230645016.htm