Thấy một trường tư mở bán hồ sơ, chị Vân liền đăng ký, đặt cọc hai triệu đồng để giữ chỗ, phòng khi con trượt lớp 10 công lập.
Vì đã “nhắm” trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) từ lâu, chị Thanh Vân, ở quận Ba Đình, luôn trong tâm thế sẵn sàng, chỉ chờ ngày trường thông báo tuyển sinh. Mua được hồ sơ hôm 20/2 – ngay ngày đầu mở bán, người mẹ đăng ký xét tuyển thẳng bằng học bạ cho con trai. Yêu cầu xét tuyển của trường là thí sinh đạt 4 năm học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt.
Điểm tổng kết của con luôn đạt gần 9 nên chị Vân không bất ngờ khi hai hôm sau nhận thông báo trúng tuyển. Trường yêu cầu nộp hai triệu đồng phí nhập học, không hoàn lại. Chị Vân ngầm hiểu đây là khoản “đặt cọc”, giữ chỗ ở trường. Ngoài ra, chị phải nộp thêm hơn 10 triệu, gồm học phí tháng đầu, cơ sở vật chất, hoạt động ngoại khóa… Trường cho hay sẽ trả lại khoản này nếu học sinh rút hồ sơ.
“Tôi thấy hai triệu đồng tiền cọc không quá lớn nên chi liền tay. Quan trọng là con đã có chỗ dự phòng nếu trượt công lập”, chị Vân nói, cho biết ngoài Đoàn Thị Điểm, chị sẽ nộp thêm hồ sơ vào trường Nguyễn Siêu.
Chị Thu Hương, quận Đống Đa, cũng đang rốt ráo tìm trường tư để đặt chỗ cho con. Người mẹ nói quan tâm tới trường Tạ Quang Bửu, Hoàng Cầu nhưng cả hai đều chưa thông báo tuyển sinh.
Chị cho biết nhà không quá dư dả, nên muốn tìm một trường có mức tiền cọc vừa phải, “cùng lắm” 5 triệu đồng, học phí hàng tháng cũng quanh mức này. Qua bạn bè, chị Hương nghe tin trường THPT Hà Thành đang tuyển sinh, cọc tầm 2 triệu đồng.
“Trường Hà Thành cách nhà gần 10 km nhưng tôi vẫn định đặt cọc trong lúc đợi các trường kia”, người mẹ nói.
Nhiều người có lựa chọn giống chị Vân và Hương. Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh Hà Nội với hơn 140.000 thành viên, nội dung về tìm trường tư thục; chia sẻ, hỏi kinh nghiệm nộp hồ sơ, điều kiện cơ sở vật chất, học phí và tiền cọc, được thảo luận sôi nổi.
Ở một nhóm khác với gần 1.000 phụ huynh có con học lớp 9 cũng tương tự. Có phụ huynh cho biết sẽ nộp hồ sơ, đặt cọc ở 3, 4 trường để lựa chọn sau này, song cũng có người băn khoăn vì tiền đặt cọc, học phí cao so với điều kiện gia đình.
Hà Nội có khoảng 100 trường THPT tư thục, tuyển 27.000 học sinh lớp 10. Nhiều trường ở nội thành thường thông báo tuyển từ đầu năm. Ngoài phí mua hồ sơ, phí làm bài khảo sát (nếu có), phụ huynh còn phải đặt tiền cọc nếu muốn giữ chỗ sau khi trúng tuyển, mức phổ biến là 2-5 triệu đồng, cá biệt lên tới 15, 20-23 triệu. Hầu hết trường không hoàn lại khoản này nếu học sinh không nhập học.
Hiệu trưởng một trường THCS nhìn nhận việc đặt cọc trường tư để “chống trượt” lớp 10 cho con là tâm lý bình thường. Việc này ngày càng sôi động khi cuộc đua vào lớp 10 công lập ở Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành, trở nên gay gắt trong vài năm trở lại đây.
Hiện, Hà Nội có 119 trường THPT công lập, chỉ nhận được khoảng 60% số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm. Con số này sẽ thấp hơn nếu xét riêng 12 quận nội thành, vì số thí sinh khu vực này chiếm gần một nửa tổng học sinh thi lớp 10 hàng năm, nhưng số trường THPT chỉ chiếm 1/3. Chưa kể, học sinh Hà Nội liên tục tăng, khoảng vài chục nghìn mỗi năm.
Chị Hương cho hay nhà ở quận Đống Đa, cùng khu vực tuyển sinh với hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy. Đây là một trong những điểm nóng trong kỳ thi lớp 10 vì đông dân, ít trường. Để trúng tuyển trường công ở khu vực này, thí sinh phải đạt tối thiểu 7,5 điểm mỗi môn.
“Lực học của con khoảng 7,5-8 điểm, nhưng đi thi áp lực hơn nhiều, rất khó để con giữ được mức điểm này. Vì thế tôi buộc phải tìm cách đăng ký và đặt cọc trường tư, phòng rủi ro”, chị Hương nói.
Việc phụ huynh nộp hồ sơ và đặt cọc nhiều trường tư cùng lúc gây ra tỷ lệ ảo trong xét tuyển, theo PGS.TS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Đoàn Thị Điểm.
Ông Thống cho biết mỗi năm, trường tuyển khoảng 600 học sinh, nhận tổng gần 4.000 hồ sơ đăng ký. Để đảm bảo số học sinh nhập học, trường phải gọi trúng tuyển 900-1.000 em, vì tỷ lệ ảo thường khoảng 30%.
Theo ông Thống, việc đưa ra số tiền cọc để hạn chế tỷ lệ ảo, đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Trong tuần đầu mở bán hồ sơ năm 2024, ông Thông nói đã có khoảng 2.000 phụ huynh đăng ký. Con số này tương tự mọi năm, nên nhà trường dự đoán tỷ lệ ảo cũng không biến động nhiều.
Ngoài ra, việc ồ ạt đăng ký trường tư có thể tạo áp lực với phụ huynh và học sinh.
“Phụ huynh không nên tự làm khó mình, tìm tới 3-5 trường là không cần thiết”, ông Thống nói.
Chia sẻ với lo lắng của phụ huynh, song thầy Nguyễn Ngọc Phúc, phó hiệu trưởng trường THCS Trần Duy Hưng, cho rằng mỗi gia đình chỉ nên đặt 1-2 trường. Lý do là dù đăng ký nhiều, nhưng cuối cùng học sinh cũng chỉ có thể chọn một trường để học.
Vì vậy, thầy hiệu phó khuyên phụ huynh căn cứ vào hai tiêu chí: lực học của con và điều kiện, tiềm lực tài chính của gia đình để chọn lựa. Thầy cho rằng phụ huynh không nên bị cuốn theo số đông hay chỉ nhìn vào số tiền cọc, bởi nhiều trường cọc ít nhưng học phí cao, hoặc quá xa nhà, gây bất tiện trong việc đưa đón và tham gia các hoạt động tập thể của con.
“Điều quan trọng vẫn là phù hợp”, thầy Phúc nói.
Thanh Hằng