Với thế hệ “gen Z” trưởng thành trong xã hội số, công nghệ số, việc thể hiện và lưu giữ những truyền thống văn hóa dân tộc như ngày Tết Thầy cũng có nhiều đổi khác.
Tết năm nay cũng là Tết đầu tiên khi Nguyễn Thị Thùy Dương (Hải Dương) là sinh viên đại học. Trước Tết cả tuần lễ, các nhóm “chat” trên mạng xã hội của Dương và các bạn đã rộn ràng lên kế hoạch đi chúc Tết thầy cô THPT và đại học.
“Với các thầy cô ở bậc đại học vì điều kiện ở xa, nên em sẽ gửi tin nhắn, gọi điện để chúc Tết. Còn với các thầy cô bậc phổ thông, ngay từ trước Tết, lớp em đã lên kế hoạch để rủ nhau cùng đi chúc Tết thầy cô.
Theo thông lệ, hàng năm em và các bạn đều đến thăm thầy cô vào ngày mùng 3 Tết. Với em, Tết thầy năm nay có phần đặc biệt hơn những năm trước khi em chính thức bước sang một bậc học mới. Để có bước chuyển đó không thể thiếu sự dìu dắt, dạy dỗ, đồng hành của thầy cô trong suốt những năm chúng em học phổ thông. Đây cũng là dịp để chúng em bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn của mình với thầy cô”.
Là một gen Z “chính hiệu”, Thùy Dương cho rằng, dù trong xã hội xưa hay ngày nay, phong tục Tết Thầy vẫn là một nét đẹp văn hóa, giáo dục lớp lớp thế hệ học trò về lòng biết ơn, truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Trưởng thành trong bối cảnh xã hội số hóa, công nghệ thông tin phát triển, cũng bởi vậy mà cách chúc Tết của những gen Z như Dương cũng khác những thế hệ trước.
“Ngoài việc đến thăm trực tiếp thầy cô, chúng em cũng thường gửi tin nhắn, email để chúc Tết thầy cô. Cách làm này không chỉ tiện lợi mà còn dễ dàng bày tỏ những tình cảm thường ngày ngại nói bằng lời với thầy cô.
Ngoài ra, cũng có thể tạo những video ngắn, sáng tạo bao là lời chúc Tết, khoảnh khắc đáng nhớ trong thời gian học tập hoặc tự hát một bài nhạc Tết gửi đến thầy cô. Hay thay vì mua những tấm thiệp chúc Tết có sẵn, chúng em cũng có thể tự làm thiệp chúc Tết online theo ý mình hoặc làm thiệp handmade gửi đến thầy cô.
Em nghĩ rằng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, chúng em đã có thể gửi những tình cảm chân thành của mình đến thầy cô một cách chân thực nhất có thể”, Dương chia sẻ.
Mùng 2 Tết, vừa về quê ngoại cùng bố mẹ chúc Tết ông bà, họ hàng, Bảo Anh (SN 2006, ở Hà Nội) vẫn tranh thủ thời gian làm một đoạn clip tiktok ngắn ghi lại những hình ảnh của mình và cô giáo chủ nhiệm trong năm qua để gửi tặng cô vào ngày mùng 3 Tết.
“Năm nào mùng 3 Tết lớp em cũng hẹn nhau để cùng đến chúc Tết thầy cô. Chưa có điều kiện kinh tế để mua những món quà đắt tiền, chúng em thường mang theo hoa, giỏ quả nhỏ, hay những món đồ handmade để tặng thầy cô. Cũng có khi là những món quà online như một vài clip ngắn tiktok ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, ấn tượng của thầy cô và chúng em, hoặc đơn giản hơn là những lời chúc online qua facebook, zalo.
Những ngày lễ này là dịp để chúng em thể hiện tình cảm, sự biết ơn với thầy cô đã dìu dắt, dạy dỗ chúng em trong suốt cả năm qua”, Bảo Anh chia sẻ.
Còn với Nguyễn Trí Thành (học sinh lớp 12 tại Hà Nội), Tết Thầy là một ngày đặc biệt, khi thầy trò không phải quan tâm đến bài vở, kiểm tra, thi cử, là khi được thoải mái chia sẻ những câu chuyện thường nhật.
“Lần nào đến thăm thầy cô chúng em cũng rất vui, mọi áp lực học tập được cởi bỏ và trong nhiều câu chuyện của thầy cô chúng em còn được tiếp thêm động lực học tập. Thầy giáo chủ nhiệm của em khá trẻ, khác với sự nghiêm khắc trên lớp, khi về nhà thầy rất thoải mái, trẻ trung.
Có những năm đến chúc Tết, thầy mời cả nhóm đi uống trà sữa, hay ăn lẩu, nướng để có thời gian nói chuyện, tâm sự nhiều hơn. Từ đó thầy trò ngày càng hiểu nhau hơn, việc dạy và học cũng tốt hơn.
Nhiều người cho rằng xã hội càng hiện đại, Tết càng “nhạt”, nhưng với em, Tết vẫn là dịp lễ đặc biệt nhất trong năm, là khi mọi người được trở về nhà, quây quần bên gia đình, những người thân yêu, là khi có thể nói ra những lời chúc đầy yêu thương, những lời cảm ơn, tri ân chân thành nhất mà đôi khi chúng ta vẫn ngại ngùng nói ra”, Thành chia sẻ.
Nguyễn Trang(VOV.VN)