Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gỡ điểm nghẽn tín dụng cho doanh nghiệp

Việt NamViệt Nam09/04/2025

Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà tăng tốc để hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số, nỗ lực khơi thông dòng vốn tín dụng trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tăng tốc đầu tư sản xuất kinh doanh, mở ra dư địa tăng trưởng mới.

Công ty cổ phần thực phẩm Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) mở rộng sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn tín dụng của Agribank.

Có một thực tế là trong khi hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng về nguồn lực tín dụng, thì không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn này.

Tạo đòn bẩy tài chính

Trong cơ cấu tài chính doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, tín dụng ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu đối với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là khối sản xuất. Dòng vốn tín dụng này không chỉ là phương tiện vận hành sản xuất mà còn là yếu tố sống còn trong chiến lược mở rộng đầu tư, tiếp cận thị trường mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Miza Nghi Sơn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế giấy để sản xuất bao bì, bao gói chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy bao bì trong và ngoài nước. Công ty bắt đầu thực hiện sản xuất vào tháng 8/2021, đến năm 2024 doanh thu đạt 2.230 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 200 nhân công trong khu vực và đầu mối cung cấp nguyên liệu đầu vào tại các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với lương tháng bình quân của người lao động đạt hơn 10 triệu đồng/người. Theo ông Lê Văn Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty, trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án tại tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp luôn được các tổ chức tín dụng hỗ trợ cấp vốn xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị và nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tổng dư nợ của Miza Nghi Sơn tại các tổ chức tín dụng xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

“Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế chưa kịp phục hồi và các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi phải đối mặt với áp lực lớn về chi phí nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ, Agribank Nam Thanh Hóa đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Những chương trình tín dụng ưu đãi được áp dụng linh hoạt, bao gồm miễn giảm phí chuyển tiền, cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp, và nhiều chính sách thiết thực khác đã giúp công ty duy trì hoạt động sản xuất, nhất là trong việc hợp tác đầu tư và kinh doanh với các đầu mối cung cấp nguyên liệu giấy tái chế trên địa bàn tỉnh”, ông Lê Văn Hiệp cho biết.

Tương tự, ông Lê Văn Phương - Tổng Giám đốc Công ty mía đường Lam Sơn chia sẻ, tín dụng ngân hàng không chỉ là đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, mà còn là yếu tố then chốt để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. “Trong bối cảnh hiện nay, ngành mía đường đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến động giá cả, biến đổi khí hậu đến chi phí sản xuất ngày càng tăng, do đó, vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và nông dân là rất quan trọng”, ông Lê Văn Phương khẳng định.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Quang Dũng, mặc dù theo quy luật của các năm trước, tín dụng thường giảm trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên đán, nhưng tăng trưởng đầu năm 2025 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 16 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2024, tăng 17,65% so với cùng kỳ năm 2024 (trong khi cùng kỳ 2024 chỉ tăng trưởng được khoảng 0,26%).

Nhưng dù có tín hiệu khởi sắc như vậy, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn quốc năm 2025 là 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước tối thiểu 8% đòi hỏi toàn ngành ngân hàng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, cùng với sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị.

Cần một cú huých chính sách

Theo thống kê, trong hơn 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, gần 98% trong số này có quy mô nhỏ và vừa. Mặc dù chiếm tỷ trọng cao như vậy, khu vực DNNVV chỉ có tổng nguồn vốn 16,6 triệu tỷ đồng, chiếm chưa đến 30% tổng nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng cho DNNVV theo số liệu từ NHNN tính đến cuối năm 2024 đạt khoảng 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% tổng dư nợ nền kinh tế, với 208.992 doanh nghiệp còn dư nợ. Dù có sự tăng trưởng, nhưng con số này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn của DNNVV. Và cũng dù mặt bằng lãi suất đã giảm và thanh khoản hệ thống đang dồi dào, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn chưa chạm tay được vào nguồn vốn sản xuất. Thực tế đó cho thấy, thị trường đang cần một “cú huých” chính sách thực chất, đồng bộ và quyết liệt hơn từ nhà điều hành để kích hoạt hiệu quả dòng chảy tín dụng.

Chủ tịch Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Trần Thị Lan nhìn nhận, để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, các ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi, từ hạ lãi suất trong giai đoạn khó khăn đến thủ tục vay nhanh chóng. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như thời gian vay. Chung quan điểm, ông Lê Văn Phương cũng kiến nghị NHNN và các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, thông qua triển khai thêm các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Đặc biệt, ông Phương nhấn mạnh tài sản bảo đảm vẫn là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp cho nên ngân hàng cần mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm phần nào tháo gỡ điểm nghẽn này.

Thực tế hiện nay, điểm nghẽn dòng chảy vốn nằm ở cách tiếp cận tín dụng vẫn còn nặng về tài sản bảo đảm, thiếu mô hình định giá tín nhiệm dựa trên dòng tiền và hồ sơ số của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, có hợp đồng xuất khẩu, có chuỗi sản xuất ổn định… nhưng không có tài sản lớn vẫn bị loại khỏi “cuộc chơi vốn”.

Là một doanh nghiệp có các dự án tiêu biểu với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 1.000 tỷ đồng, chiếm 55% và tất cả các dự án này đều đã triển khai, đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả cao, đem lại doanh thu và dòng tiền tốt, nhưng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ CNC (thuộc Tập đoàn CNCTECH) Đinh Thị Thu Hà cho hay, doanh nghiệp vẫn gặp phải một số vấn đề liên quan đến việc tiếp cận vốn, trong đó có khó khăn vì thiếu tài sản bảo đảm. Do vậy, bà Hà kiến nghị NHNN xem xét việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng linh hoạt hơn, bao gồm cả việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp có mô hình sản xuất kinh doanh tiềm năng nhưng chưa có đủ tài sản thế chấp.

Bên cạnh sự tháo gỡ từ phía các ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng việc doanh nghiệp xây dựng được hệ thống kế toán, quản trị và báo cáo tài chính minh bạch sẽ giúp các ngân hàng đánh giá đúng năng lực của doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xét duyệt vay vốn. Theo Chủ tịch Hãng kiểm toán ASCO Nguyễn Thanh Khiết, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và minh bạch thông tin, áp dụng công nghệ và AI trong kế toán và quản lý tài chính…

Để doanh nghiệp phát triển không chỉ là vốn tín dụng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, Chính phủ cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, phát triển mạnh hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng nhằm giảm bớt rủi ro cho ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm. Đồng thời, cần cải tiến quy trình bảo lãnh để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí khi tiếp cận vốn.

Dù khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời từ ngân hàng, cùng với những chính sách hỗ trợ đúng đắn của Nhà nước, hy vọng những trở ngại này sẽ dần được hóa giải. Trước mắt, để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, mỗi bên liên quan cần có những điều chỉnh, cải thiện và sáng tạo không ngừng. Sự hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết những khó khăn giữa các bên sẽ là “chìa khóa” mở ra cánh cửa đến với nguồn vốn tín dụng dồi dào, giúp các doanh nghiệp bứt phá trong kỷ nguyên mới.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm