MỖI DỊP TẾT ĐẾN XUÂN VỀ, NGƯỜI VIỆT NHẮC LẠI CÂU NÓI DÂN GIAN “MÙNG 1 TẾT CHA, MÙNG 2 TẾT MẸ, MÙNG 3 TẾT THẦY” NHƯ CÁCH THỂ HIỆN TRUYỀN THỐNG "UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN", "TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”.
Bát Xát là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, nơi điều kiện sống của bà con còn nhiều thiếu thốn. Ở nơi đây, phần lớn học sinh là người dân tộc Mông, hành trình tới trường của các em vô cùng khó khăn khi phải băng rừng, vượt suối từ tờ mờ sáng. Câu chuyện gieo mầm ước mơ của giáo viên cũng khó chồng khó khi phải đối mặt với điều kiện dạy học thiếu thốn, học sinh "trốn lớp lên rẫy".
Dẫu vậy, cô Nguyễn Thị Thủy - giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Pa Cheo (Lào Cai) vẫn gắn bó với mảnh đất này, cần mẫn gieo mầm tri thức cho nhiều thế hệ học trò. Sự kiên định của cô Thủy được hình thành từ tình yêu nghề, vun đắp từ tình yêu thương của con trẻ và người dân nơi đây.
Nhắc đến câu nói "mùng 3 Tết thầy", nữ giáo viên không khỏi xúc động bởi tình cảm chân thành, mộc mạc của học trò nơi đây. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, các em học sinh vẫn mang theo tấm lòng chân thành gửi đến thầy cô. Đó là những lời chúc đáng yêu, những món quà mộc mạc như bó lá dong xanh mướt, cành đào rừng đầy nụ, hay chiếc bánh dày thơm dẻo.
Trong tiết trời se lạnh, những tiếng cười nói rộn ràng của các em, ánh lửa bập bùng từ nồi bánh chưng và sắc hoa đào phớt hồng hòa quyện tạo nên không khí Tết vùng cao yên bình mà ấm áp. Nét đẹp này giúp người giáo viên quên đi những khó khăn, mệt mỏi và thúc đẩy sự kiên trì gieo mầm con chữ.
"Dẫu còn nhiều vất vả, tôi vẫn quyết tâm gắn bó với mảnh đất và điểm trường này. Nhìn học trò của mình ngày một trưởng thành, lòng tôi trào dâng niềm tự hào khôn xiết. Chính điều đó tạo động lực để tôi tiếp tục ở lại và cống hiến" - cô Thủy bộc bạch.
Ngày mùng 3 Tết từ lâu đã trở thành ngày truyền thống để tri ân thầy cô - những người lái đò tận tụy, dìu dắt biết bao thế hệ học trò. Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, những lời chúc gửi đến thầy cô là sự đong đầy của lòng biết ơn và tình cảm chân thành.
Từng là học trò nay trở thành cô giáo, cô Đặng Thị Lan Anh - giáo viên Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Quốc tế Wellspring Hanoi (Hà Nội) cảm nhận rõ sự kết nối bền chặt của tình thầy trò qua từng thế hệ. Lời chúc không chỉ mang đến niềm vui ngày Tết mà còn tạo động lực để người giáo viên trẻ tiếp tục cống hiến, truyền đạt tri thức và tình yêu thương đến các thế hệ học trò.
“Nhớ lại những ngày còn là học sinh, tôi từng háo hức cùng bạn bè đến chúc Tết thầy cô. Đó là những buổi sáng sớm, khi tiết trời còn vương chút se lạnh, cả nhóm mang theo một bó hoa nhỏ xinh và chút bánh kẹo. Chúng tôi rộn ràng bước vào nhà thầy cô, hồi hộp chờ nói những lời chúc tốt đẹp nhất.
Lúc đó, niềm vui của chúng tôi đơn giản chỉ là được nhìn thấy nụ cười của thầy cô, nghe những lời dặn dò ân cần và được ôn lại những kỷ niệm thân thương dưới mái trường” - cô Lan Anh nhớ lại.
Giờ đây, khi đã đứng trên bục giảng với vai trò là một người giáo viên, cô Lan Anh mới thấm thía sâu sắc ý nghĩa của ngày mùng 3 Tết thầy. Nhìn các em học sinh háo hức đến thăm, người giáo viên trẻ thấy chính mình của ngày xưa trong ánh mắt trong sáng và nụ cười rạng rỡ của các em.
Đã gắn bó với nghề “gõ đầu con trẻ” hơn 20 năm, cô Đỗ Thị Thu Nga - giáo viên Trường THPT Tháng 10 (Tuyên Quang) vẫn luôn mong chờ ngày Tết thầy bởi đây là dịp cô được gặp lại những thế hệ học trò cũ, nhìn thấy sự trưởng thành của các em.
“Mùng 3 Tết là thời điểm học sinh của mình đến nhà chơi rất đông. Với học trò, đây là dịp tới thăm hỏi, gửi tới cô những lời chúc mừng năm mới, cũng là dịp ôn lại nhiều kỷ niệm.
Còn với mình, Tết thầy là dịp nhìn thấy sự trưởng thành của từng học trò cũ. Đây có lẽ là một trong những điều hạnh phúc nhất của người giáo viên” - cô Nga bộc bạch.
Mùng 3 Tết, khi thầy trò gặp mặt cũng là dịp để những câu chuyện được mang ra chia sẻ. Người thầy trong vai người đi trước đưa đến những kinh nghiệm, lời khuyên quý báu cho học trò. Đôi khi, những lời khuyên ấy sẽ làm thay đổi cả cuộc đời của con trẻ.
“Vào một tối mùng 3 Tết nhiều năm trước, học sinh ở lớp 12 mình đang chủ nhiệm xin sang nhà chơi, chúc Tết cô. Sau khi thăm hỏi, đột nhiên bạn ấy khóc và bảo ra Tết nghỉ học đi làm để phụ giúp gia đình.
Lúc đó, mình đã tâm sự và đưa ra lời khuyên cho học trò. Cuối cùng bạn ấy quyết tâm đi học hết cấp 3, sau đó đi nghĩa vụ Công an, đến nay đã lấy vợ, sinh con và vẫn tới thăm cô. Thế nên, Tết thầy là dịp gặp gỡ, cũng là dịp sẻ chia, gắn kết” - cô Nga hồi kể.
Theo quan niệm dân gian, "mùng 3 Tết thầy" là nhắc nhớ truyền thống "tôn sư trọng đạo", tôn vinh người thầy đã truyền chữ, dạy nghề... cho học trò để thành danh, thành tài, thành người.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương đánh giá - trong câu nói này, người thầy đang được xếp ngang hàng với bậc phụ mẫu - người có ơn sinh thành, dưỡng dục, khẳng định người thầy đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi người.
Tết thầy vào những ngày đầu năm mới cũng cho thấy sự khác biệt với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Trong không khí tưng bừng đón Tết là thời gian dành cho những người thân đặc biệt, những người có sức ảnh hưởng lớn tới bản thân. Lời chúc đầu năm mới cũng là lời cầu nguyện cho những người thân yêu có một năm bình an, vạn sự hanh thông.
Giữa sự phát triển nhanh chóng của xã hội, truyền thống “tôn sư trọng đạo” thể hiện qua Tết thầy cũng có sự thay đổi nhằm thích ứng với thời cuộc. Hiện nay, không nhất thiết phải đi thăm thầy cô vào đúng mùng 3 mà mùng 4, mùng 5 vẫn có thể đi thăm, tùy thuộc vào lịch trình của đôi bên.
“Mạng xã hội phát triển, học trò và thầy cô có thể liên lạc qua tin nhắn, lời bình luận dưới bài viết hay một cuộc điện thoại thân tình. Tôn sư trọng đạo không phải là những thứ cầu kỳ, những món đồ giá trị mà nằm ở tình cảm được trao đi” - GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Laodong.vn
Bình luận (0)