Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý 3 nhiệm vụ lớn với Bộ Khoa học và Công nghệ trong đó cần có chính sách thử nghiệm để ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình kinh tế.
Thông tin được Phó thủ tướng nói trong buổi làm việc tại Bộ chiều 11/7 sau gần một tháng ông nhận nhiệm vụ chỉ đạo các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; Thông tin và truyền thông.
Theo Phó thủ tướng “cần có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”. “Phải có khuôn khổ pháp lý để thử nghiệm mô hình kinh tế dựa trên khoa học công nghệ, làm sao để khoa học công nghệ ra tiền”, ông nói và cho rằng cần có một chế độ chính sách đãi ngộ cho đội ngũ những người làm khoa học công nghệ.
Tại buổi làm việc Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thông tin về việc xây dựng cơ chế chính sách, hành lang pháp lý phát triển khoa học và công nghệ.
Dẫn các nghị quyết ông cho biết, nhiều quan điểm mới về quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được nghiên cứu, dự kiến trình Trung ương cho ý kiến. Trong đó quản lý nhà nước về hoạt động đổi mới sáng tạo, việc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động nghiên cứu, vấn đề mô hình, cơ chế hoạt động của các Quỹ. Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc. Ảnh: T Nguyên
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cũng báo cáo chi tiết hơn về hành lang pháp lý, với 8 luật chuyên ngành, gồm: Khoa học và Công nghệ; Chuyển giao công nghệ; Công nghệ cao; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Năng lượng nguyên tử. Theo Thứ trưởng hành lang pháp lý “đã tương đối hoàn thiện”. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được xây dựng và trình Thủ tướng ban hành, mục tiêu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao…
Ông Định cũng dẫn nhiều kết quả của ngành, trong đó chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%). Năm 2021, TFP đóng góp khoảng 37,5%; năm 2022, đóng góp khoảng 43,8% vào tăng trưởng kinh tế.
“Khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi”, Thứ trưởng nói. Ông cho biết các ngành, lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng… ngày càng có sự hiện diện rõ nét của khoa học, công nghệ.
Ghi nhận những đóng góp và kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, chỉ số xếp hạng về năng suất lao động của Việt Nam ở mức cao là nhờ có sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ.
Ông cũng lưu ý, cần có một cơ chế đặc thù cho khoa học công nghệ và những người làm khoa học công nghệ. Phải xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quản lý nhà nước và phát triển khoa học công nghệ. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hải Minh
Thứ trưởng Lê Xuân Định báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: T. Nguyên
Ghi nhận những đóng góp và kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, chỉ số xếp hạng về năng suất lao động của Việt Nam ở mức cao là nhờ có sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ.
Ông cũng lưu ý, cần có một cơ chế đặc thù cho khoa học công nghệ và những người làm khoa học công nghệ. Phải xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quản lý nhà nước và phát triển khoa học công nghệ. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.