Phố cổ Hội An nằm cách thành phố Đà nẵng 30km về phía đông nam, cách thị xã tỉnh lỵ Tam Kỳ 60km về phía đông bắc. Từ thế kỷ 16 đến 19, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hải trình thương mại đông – tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong – Việt Nam dưới triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan… thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá.
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ và những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính trông huyền ảo như một bức tranh sống động. Phố cổ được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Chùa Cầu, ngôi chùa không thờ Phật.
Tháng 12 năm 1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới. Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại, gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
Một di tích tiêu biểu ở Hội An có thể kể đến là Chùa Cầu – nằm tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú – Hội An. Chùa Cầu (hay còn gọi chùa Nhật Bản) là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Do ảnh hưởng của thiên tai địch hoạ, Chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu và mang đậm phong cách kiến trúc Việt, Hoa. Chùa Cầu có dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu có mái che uốn cong mềm mại và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) – tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719. Điều đặc biệt, ngôi chùa này không thờ Phật. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù – một loài thuỷ quái có đầu nằm ở ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản và mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình. Chùa Cầu là tài sản vô giá và đã chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.
Nhà cổ Phùng Hưng có lịch sử trên 200 năm.
Tại Hội An hiện nay còn rất nhiều ngôi nhà cổ thể hiện sự kết hợp giữa các phong cách kiến trúc của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam… trong đó một trong những ngôi nhà tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ ở Hội An là nhà cổ Phùng Hưng. Cho tới nay, ngôi nhà đã là nơi sinh sống của 8 thế hệ nối tiếp nhau. Ngôi nhà hình ống hai tầng với công năng là để ở và bán hàng. Nhà gồm hai nếp nhà được ngăn cách bởi một sân trời lấy gió và không khí. Giống như mọi ngôi nhà cổ ở Hội An, tầng hai của nhà cổ Phùng Hưng được thông với tầng một bằng một lỗ trống trên sàn tầng hai để chuyển hàng hóa lên cho thuận tiện vào mùa lụt. Với lịch sử trên 200 năm tuổi, nhà Phùng Hưng chứa đựng nhiều thông tin về lối sống của tầng lớp thương nhân ở thương cảng Hội An xưa. Đến với Hội An, du khách có thể tham quan Nhà cổ Quân Thắng; Nhà cổ Tấn Ký; Hội quán Phúc Kiến; Hội quán Triều Châu; Hội quán Quảng Đông; Hội quán Ngũ Bang; ngôi chùa Quan âm Phật tự Minh Hương; Nhà thờ tộc Trần; Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa; Chùa Ông; Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh…
Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây có những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia. Trong đó có một dãy phố nằm sát ngay bờ sông Hội An. Nhà ở đây làm bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà trạm trổ hoa văn rất cầu kỳ… Thị xã nhỏ bé này từng là nơi chứng kiến hai cuộc giao thoa văn hoá lớn trong lịch sử dân tộc Việt: Lần thứ nhất cách đây hơn 5 thế kỷ, khi nước đại Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi, và lần thứ hai cách đây 2 thế kỷ, khi người phương tây theo các chiến thuyền và thương thuyền đặt chân lên mảnh đất này với ý đồ truyền bá và thôn tính. Cả hai sự kiện lớn đó đều kéo theo tương tác văn hoá lớn lao và nền văn hóa Việt đã vượt qua thử thách đồng hoá để tự cải biến và tồn tại cùng thời cuộc. Du khách tới Hội An, ngoài việc khám phá sự bình dị chân thật trong tâm hồn người dân phố Hội, sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của các mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông.
Lung linh đèn lồng Phố cổ.
Bước chân vào khu phố cổ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, khi không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Cầu chùa, dãy nhà cổ hai tằng quay lưng phía bến sông Hoài, Hội quán Quảng Ðông, Phúc Kiến… khiến con người hoài niệm về một thời quá khứ. Khu phố cổ trở nên sâu lắng, bình yên và lãng mạn hơn dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Trước đây, chính người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng. Vào mỗi đêm 14 âm lịch, khu phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đồng loạt tắt đèn và treo trước hiên nhà những ngọn đèn lồng huyền ảo. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản phất giấy trắng lơ lửng dọc theo hàng cột, đèn trụ vuông, đèn quả trám to nhỏ các cỡ… tất cả đã tạo lên một thế giới lung linh, huyền ảo.
Trong bầu không khí cổ tích du khách có thể nếm một vài món ăn phong vị xứ Quảng như bánh Bo, bánh Vạc, Cao lầu tại các nhà hàng còn giữ nguyên hình ảnh đầu thế kỷ. Hiện diện trên phố Hội An là vô số các cửa hàng bầy bán các loại đèn lồng làm kỷ niệm. Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo… vẳng lên từ con thuyền đậy dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố… tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách. Không quá trang nghiêm như Cố Ðô Huế, không quá sôi động như chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/201107/pho-co-hoi-an-bao-tang-song-ve-kien-truc-va-loi-song-do-thi-3677D3C/