Manila cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc cơ động nguy hiểm, tìm cách cản trở tàu công vụ Philippines hoạt động bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.
Cảnh sát biển Philippines (PCG) hôm nay công bố thông tin về cuộc chạm trán giữa tàu tiếp vận BRP Datu Sanday với một tàu hải cảnh và ba tàu khác của Trung Quốc hôm 22/2, cho biết sự việc xảy ra khi tàu Philipines đang vận chuyển dầu cho các ngư dân ở khu vực gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“3 trong 4 tàu Trung Quốc di chuyển trước mũi BRP Datu Sanday ở khoảng cách chỉ 100 m. Nhóm tàu này cũng liên tục bám sát, gây nhiễu tín hiệu nhận diện tự động và thực hiện động tác cơ động nguy hiểm. Bất chấp điều đó, thuyền trưởng BRP Datu Sanday đã thể hiện trình độ tuyệt vời và né tránh mọi nỗ lực truy cản”, phát ngôn viên PCG Jay Tarriela cho hay.
Đây là lần thứ hai Manila cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu công vụ Philippines gần bãi Cỏ Mây trong vòng hai tuần qua.
Giới chức Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines chiếm đóng trái phép. Bắc Kinh và Manila đều đưa ra tuyên bố chủ quyền với khu vực này.
Quân đội Philippines sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây như một tiền đồn để duy trì hiện diện trái phép ở khu vực này từ năm 1999. Trên tàu có đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.
Bộ Quốc phòng Philippines cho biết Bắc Kinh thường duy trì một tàu hải cảnh gần bãi Cỏ Mây để giám sát hoạt động của tàu cá Philippines, cũng như theo dõi nhiệm vụ tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Lực lượng Trung Quốc từng nhiều lần tìm cách truy cản tàu công vụ Philippines tại khu vực.
Tháng 11/2021, ba tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường, chiếu đèn pha và xịt vòi rồng ngăn cản, buộc các tàu tiếp tế Philippines phải hủy nhiệm vụ và quay về. Tướng Tarriela ngày 6/10/2023 cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc chạy cắt mũi và suýt va chạm với tàu BRP Sindangan gần bãi Cỏ Mây.
Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế.
Vũ Anh (Theo AFP)