Nhờ chăm chỉ học hỏi, mạnh dạn trồng xen canh cây mắc ca và cà phê theo mô hình vườn rừng, vợ chồng chị Lê Thị Dung (thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã vực dậy kinh tế gia đình, có nguồn thu ổn định.
Gia đình chị Lê Thị Dung (thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) được bà con biết đến là tấm gương sản xuất giỏi. Trước đây, trên diện tích 2ha vườn của gia đình, vợ chồng chị Dung chỉ trồng thuần cà phê Robusta. Đến năm 2015, được sự hỗ trợ của địa phương, vợ chồng chị Dung đã mạnh dạn trồng 400 cây mắc ca xen cùng cà phê. Không ngờ, kết quả rất khả quan, mang lại năng suất và thu nhập tốt hơn rất nhiều so với trước.
Theo chia sẻ của chị Dung, khi trồng cà phê thuần, do mảnh vườn của gia đình nằm trên sườn đồi dốc nên đất không giữ được độ ẩm, nhanh khô. Bởi vậy, dù cây cà phê không phải là cây khó chăm sóc nhưng chị phải dành nhiều công sức tưới thường xuyên. Từ khi trồng mắc ca xen vào vườn cà phê, cây nọ cộng sinh cây kia, vườn mắc ca – cà phê sinh trưởng rất thuận lợi.
Ban đầu, khi cây mắc ca còn nhỏ, vợ chồng chị Dung đầu tư thời gian chăm sóc tương tự như cà phê. Nhưng vốn là cây lâm nghiệp nên mắc ca phát triển rất nhanh, năm thứ hai cây đã cao lớn, cành vươn rộng phủ kín khoảng không gian 2ha vườn đồi. Năm thứ ba, mắc ca bắt đầu cho trái bói và năng suất cao dần vào năm thứ năm. Đặc điểm của cây mắc ca là cây rừng, rất ít sâu bệnh, phù hợp để trồng làm cây che bóng, vừa tạo cảnh quan, vừa giảm cỏ dại, giảm lượng nước tưới cho cà phê. Trồng mắc ca xen cà phê, thu nhập tăng nhưng chi phí giảm, công giảm, người nông dân nhàn hơn nhiều so với trồng thuần cà phê.
Chị Dung cho biết, trồng mắc ca xen cà phê là một thành công lớn của gia đình chị. 400 cây mắc ca sinh trưởng tốt đã tạo cho khu vườn một khoảng bóng mát rộng lớn. Trong khi đó, cây cà phê ưa ánh sáng tán xạ, dưới bóng mắc ca, cà phê sinh trưởng rất tốt, giảm sâu bệnh, năng suất ổn định. Nhờ trồng xen canh mà chỉ những năm trời khô hạn nặng mới cần tưới nước, còn bình thường thời tiết thuận, khu vườn không cần tưới nước vẫn giữ được độ ẩm cao. Điều này tiết kiệm rất nhiều công sức và nhân lực trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, vườn cà phê – mắc ca của gia đình chị Dung đi vào thời kì ổn định, cho thu hoạch quanh năm: Đầu năm và giữa năm thu mắc ca, cuối năm thu cà phê. Năm 2023, gia đình chị Dung thu được 4 tấn mắc ca sọ, 7 tấn cà phê. Với giá bán 100 ngàn đồng/kg mắc ca và 75 ngàn đồng/kg cà phê nhân, sau khi trừ chi phí, gia đình thu được trên 500 triệu đồng.
Từ kinh nghiệm của gia đình mình, theo đánh giá của chị Dung, việc trồng mắc ca xen cà phê theo hướng vườn rừng mang lại hiệu quả rất tốt cho người nông dân. Tuy nhiên, điều quan trọng, khi trồng mắc ca, cần chọn giống chuẩn, theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Bởi mắc ca là cây lâu năm, sau trồng ba, bốn năm mới ra trái cho nên cần chọn giống chuẩn để tránh các giống năng suất thấp. Đồng thời, khi trồng, cần tuân thủ kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, từ hạ ngọn, tỉa cây cho nhánh phát triển cành ngang cho tới ngừa bọ xít đúng kỹ thuật.
Hiện nay, gia đình chị Dung bán hạt mắc ca theo liên kết với công ty nông sản ngay tại địa phương nên khá yên tâm đầu ra. Hạt mắc ca được doanh nghiệp thu ngay, chế biến trong khoảng thời gian sớm nhất nên cũng đạt chất lượng cao. Vì vậy, vợ chồng chị Dung xác định tham gia liên kết lâu dài, đảm bảo đầu ra cho hạt mắc ca vườn nhà.
Nhờ mô hình sản xuất cà phê xen mắc ca theo hướng vườn – rừng, những năm gần đây, nguồn thu nhập của vợ chồng chị Dung rất ổn định. Đây là mô hình được xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng khuyến khích nông dân phát triển bởi vừa đảm bảo thu nhập cao, vừa đảm bảo môi trường, tạo cảnh quan đẹp cho khu vực nông thôn địa phương.