Cái khó ló… cái khôn
Ông Võ Văn Khoa (trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) gắn bó với cây lúa, sen từ nhỏ, nhưng nơi ông sống thường bị ngập lụt nên đồng ruộng cho hiệu quả kinh tế kém.
Sau nhiều lần suy nghĩ, nhận thấy lợi thế đất rộng, ông quyết định không trồng lúa, sen nữa mà sẽ đào ao để nuôi cá. Nghĩ là làm, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng nuôi cá basa, chim, cá trê lai.
Lúc mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm nuôi thủy sản nên lứa cá đầu tiên ông nuôi chậm lớn, rồi bị chết hàng loạt, dẫn đến thua lỗ.
Không nản chí, ông lặn lội tìm đến các trang trại lớn để học hỏi kiến thức nuôi cá nước ngọt, tìm kiếm thông tin từ sách báo để hiểu tập tính của các loài cá ông định nuôi.
Sau một thời gian học hỏi, ông quyết định cải tạo ao nuôi, vệ sinh môi trường nước, bờ ao, đồng thời thả lứa cá thứ hai. Lứa này, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên cho năng suất cao.
Tuy nhiên, ông lại gặp thêm khó khăn là đầu ra không ổn định, giá thị thường thấp, nguồn thu mang về không cao. Lúc này, ông lại suy nghĩ đến việc mở dịch vụ câu cá giải trí, tạo sân chơi cho cần thủ cũng như tạo thêm đầu ra cho cá.
Ông mở rộng thêm nhiều ao trên diện tích 2ha, nuôi thêm cá chép, rô phi, diêu hồng. Ông còn trồng nhiều cây dừa ở những lối đi quanh ao để tạo cảnh quan sinh động, điểm chụp ảnh mới lạ thu hút du khách.
Ngoài ra, ông Khoa còn bố trí ghế đá, xây dựng các chòi tranh để làm nơi cho khách nghỉ ngơi. Xây dựng nhà hàng, khu bếp chế biến, phục vụ ẩm thực đồng quê đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Khoa cũng tiết lộ, cứ đều đặn 2 tuần, ông thả thêm cá vào ao vì sợ người câu “móm”. Vì vậy, ông luôn là bạn hàng của nhiều tay câu trong và ngoài Đà Nẵng.
Lãi hàng trăm triệu đồng
Theo ông Khoa, để cá khỏe mạnh và cảnh quanh sạch đẹp, ao nuôi luôn được ông vệ sinh, thay nước thường xuyên để tạo oxy cho cá và tránh mùi hôi.
Nguồn thức ăn cho cá là các tạp phẩm được nấu chín để tránh ô nhiễm môi trường nước và giúp cá ăn nhanh hơn. Đồng thời, ông còn bổ sung thêm bột để cá mau lớn, khỏe mạnh.
Theo ông Khoa, chăm cá câu vất vả hơn nhiều so với nuôi cá thịt nhưng đổi lại cho giá trị kinh tế cao hơn. Nếu nuôi cá thương phẩm, khoảng 6 tháng thì được xuất bán, còn ao nuôi cá câu sẽ tiếp tục nuôi để phục vụ du khách câu cá.
Giá dịch vụ câu là 50.000 đồng/người (không lấy cá), 250.000 đồng/người (được lấy cá). Du khách có thể mua cá mình câu được theo nhu cầu với giá 25.000-65.000 đồng/kg, tùy loại.
Trung bình mỗi năm, mô hình nuôi cá kết hợp dịch vụ câu cá giải trí đem lại cho gia đình ông Khoa hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh đó, ông còn tạo việc làm cho khoảng 7 lao động, với mức lương ổn định.
Không chỉ nuôi cá, ông còn mạnh dạn mở rộng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng. Phía trên bờ ao, ông trồng vườn cây ăn quả các loại để phục vụ du khách tham quan.
Mới đây, ông còn học hỏi nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho gà. Ông Khoa cho hay, đây là ấu trùng của ruồi lính đen. Cách nuôi cũng khá đơn giản, dùng hộp xốp, hoặc xô, chậu, thùng nhựa để làm chỗ trú ẩn cho sâu. Thức ăn của sâu chính là các phế phẩm rau xanh.
Ngoài cá và sâu canxi, tận dụng lợi thế đồng ruộng xung quanh cỏ mọc nhiều, ông còn đầu tư nuôi đàn bò 19 con, có giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản nên đàn bò phát triển khỏe mạnh.