20 năm trước, trong căn xưởng nhỏ ở vùng quê Chương Mỹ (Hà Nội), những bánh răng han gỉ, xích xe bỏ đi và đống linh kiện tưởng chừng chỉ còn là sắt vụn bỗng trở thành những "kho báu".
Giữa tiếng máy hàn, máy cắt chói tai và mùi dầu nhớt đặc quánh, Tạ Đình Huy - khi ấy là anh thợ sửa xe làng - ngày ngày lầm lũi biến những món đồ bỏ đi ấy thành cỗ máy phục vụ ruộng đồng.
Căn xưởng vốn chỉ để sửa chữa xe máy cũng là nơi khởi đầu cho hành trình đầy chông gai nhưng cũng đầy cảm hứng của một "kỹ sư chân đất" với khát vọng mãnh liệt: đưa cơ giới hóa vào từng thửa ruộng quê hương.
Anh thợ làng chế máy nông nghiệp "23 trong 1", bán hàng nghìn chiếc
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Chương Mỹ (Hà Nội), Tạ Đình Huy thấu hiểu những vất vả của người nông dân khi phải lao động nặng nhọc trên đồng ruộng.
Năm 2000, cánh cửa đại học tưởng chừng đã rộng mở khi Huy thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhưng biến cố gia đình ập đến đã khiến giấc mơ ấy dang dở.
"Bố mất sớm, kinh tế gia đình khó khăn, tôi đành gác lại việc học, chuyển sang học nghề sửa chữa xe máy để kiếm kế sinh nhai, phụ giúp mẹ", anh Huy nhớ lại.
Cuộc sống tưởng chừng đã an phận với nghề sửa xe, cho đến một ngày, một khách hàng mang chiếc máy xới cũ kỹ của Nhật đến nhờ anh phục chế.
Chiếc máy đã gần như vô dụng vì không còn phụ tùng thay thế. Nhưng trong giây phút tò mò, anh tháo tung từng chi tiết, tỉ mẩn ráp nối và cải tiến, cuối cùng khiến cỗ máy tưởng đã "chết" ấy sống dậy và hoạt động trơn tru.
"Khoảnh khắc nghe tiếng động cơ máy nổ trở lại, tôi như nhìn thấy rõ hướng đi của đời mình", anh nói, giọng đanh thép.
Xưởng sửa xe nhỏ của anh từ đó không còn đơn thuần là nơi vá lốp, sửa máy, mà dần trở thành một "phòng thí nghiệm" của những sáng chế đầu tay.
Từ những chiếc bánh răng, những chiếc nhông hay xích bỏ đi, anh Huy thành công chế ra chiếc máy xới đất đầu tiên, dù cồng kềnh, thô sơ nhưng nó thực sự chạy được trên đồng ruộng.
Hành trình từ một người thợ sửa xe máy "tay ngang" trở thành nhà sáng chế không hề dễ dàng. Không có bằng cấp, không được đào tạo bài bản về cơ khí, tất cả những gì anh có chỉ là niềm say mê mày mò.
"Làm sao để cho nó hoạt động được đúng theo ý muốn rất khó. Ví dụ tìm ra tốc độ làm việc của một chức năng, tôi tự đếm, xem tốc độ có bao nhiêu vòng/phút.
Rồi phải tính toán cả trọng lượng, kiểu dáng, chuyển động, chức năng của nó như thế nào để cho phù hợp với công việc của người nông dân. Sai lại làm lại, mang xuống ruộng xong lại nhấc lên bờ, xong lại mang về nhà, để hàn, để chỉnh, để thêm, để bớt", anh Huy kể về những khó khăn trong quá trình sáng chế.
Trước khi chế tạo thành công chiếc máy đầu tiên, Tạ Đình Huy đã không ít lần thất bại trong các thử nghiệm. Đặc biệt, khi nghiên cứu máy lội ruộng thụt, anh phải tìm đến những cánh đồng lầy lội nhất để kiểm tra hiệu quả vận hành.
"Bùn ngập đến quá đầu gối, khiến tôi không thể rút chân ra. Mỗi lần thử nghiệm, bùn đất bắn đầy mặt, chỉ còn hở hai mắt, nhưng tôi vẫn kiên trì thực hiện", anh Huy nhớ lại.
Nếu chưa đạt yêu cầu, anh lại mang máy về nghiên cứu, điều chỉnh rồi tiếp tục thử nghiệm.
Trên con đường theo đuổi đam mê, anh Huy không ít lần đối diện với những lời gièm pha, thậm chí có người còn cho rằng anh "hâm dở" khi từ bỏ công việc sửa xe máy ổn định để theo đuổi những sáng chế viển vông.
Nhưng với một lập trường vững chắc, từng bước anh chứng minh rằng con đường mình chọn không hề vô nghĩa. Những cỗ máy đầu tiên dù còn chưa hoàn hảo nhưng đã giúp bà con nông dân giảm bớt gánh nặng lao động, cải thiện đáng kể năng suất cây trồng.
Cỗ máy nông nghiệp tích hợp 23 chức năng được anh Tạ Đình Huy gọi là "đứa con tinh thần" trong 2 thập kỷ sáng chế của mình.
Chiếc máy làm được từ những công việc đồng áng cơ bản như cày, xới, gieo hạt, đến các công đoạn hỗ trợ như bơm nước, phun thuốc, tạo hàng, tời kéo, hút bùn... Sự đa năng này giúp bà con tiết kiệm chi phí đầu tư và công sức vận hành.
Hình hài của cỗ máy 23 trong 1, theo người đàn ông chia sẻ, là hành trình "tự đặt mình vào nỗi khổ của người nông dân".
Mỗi chức năng được bổ sung đều yêu cầu sự tính toán tỉ mỉ để đảm bảo độ bền, sự linh hoạt mà không gây cồng kềnh hay giảm tuổi thọ máy.
"Nhiều chức năng thì tốt đấy, nhưng máy vừa phải nhẹ, vừa phải bền, vừa phải dễ dùng thì quả thật rất khó. Có những đêm tôi thức trắng chỉ để tìm ra cách đặt một bánh răng cho gọn, cách bố trí dây chuyền chuyển động sao cho đơn giản nhất", anh Huy nhớ lại hành trình sáng chế gian nan.
Tính ứng dụng cao, cộng với mức giá hợp lý (dao động từ 6 đến hơn 20 triệu đồng/máy), các sản phẩm của anh Huy nhanh chóng được bà con đón nhận. Từ những thử nghiệm ban đầu tại địa phương, anh đã mở rộng quy mô sản xuất, phân phối máy nông nghiệp đa năng đi khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.
"Cứ ra được chiếc máy nào là có người đặt mua ngay, gần như làm không kịp", anh Huy tâm sự về sự đón nhận nhiệt tình của bà con nông dân.
Năm 2014, sáng chế máy nông nghiệp của anh Huy được cấp bằng sáng chế, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp. Nhờ tham gia các cuộc thi sáng tạo như "Nhà sáng chế", "Sáng tạo Việt"… sản phẩm của anh đã đạt nhiều giải thưởng giá trị và được vinh danh bởi các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực máy nông nghiệp, anh Tạ Đình Huy còn thể hiện niềm đam mê sáng tạo và tinh thần học hỏi không ngừng bằng việc mở rộng sang lĩnh vực sản xuất cửa gỗ nhựa. Anh đã thành lập nhà máy chuyên sản xuất các loại cửa bằng vật liệu nhân tạo, có thiết kế tinh xảo, giống gỗ tự nhiên.
Mục tiêu của anh là cung cấp các sản phẩm bền đẹp, thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần hạn chế khai thác gỗ tự nhiên, bảo vệ rừng, hướng tới phát triển bền vững.
Để tồn tại và phát triển trong một thị trường máy nông nghiệp ngày càng cạnh tranh, anh Tạ Đình Huy hiểu rằng, những chiếc máy do mình sáng chế ra không chỉ cần hội tụ đủ yếu tố đa năng, bền bỉ mà còn phải mang một vẻ đẹp thẩm mỹ riêng, đáp ứng đúng nhu cầu của người sử dụng.
Khi những chiếc máy đa năng đầu tiên được đưa ra thị trường, dù tính năng vượt trội nhưng vẫn gặp phải rào cản lớn về kiểu dáng. Sự thô sơ, cồng kềnh của máy khiến việc tiếp cận khách hàng trở nên khó khăn. Chính điều này đã thôi thúc anh không ngừng cải tiến, từ công nghệ sản xuất đến thiết kế sản phẩm, nhằm đáp ứng cả về chất lượng lẫn mẫu mã.
Năm 2017, anh Huy mạnh dạn thành lập công ty, đánh dấu bước chuyển mình từ sản xuất thủ công sang quy mô chuyên nghiệp. Nhờ đó, những chiếc máy nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện, không chỉ đảm bảo độ bền, vận hành ổn định mà còn sở hữu thiết kế hiện đại, chinh phục thị trường.
"Trước đây, máy của tôi công năng thì không ai chê được, nhưng hình thức thô sơ quá, đem ra thị trường không cạnh tranh được nên tôi quyết định thành lập công ty để sản xuất hàng loạt, cải thiện cả về chất lượng và mẫu mã", anh Huy giải thích.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, anh Huy còn đặt ra mục tiêu lớn hơn là tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là thanh niên nông thôn.
Theo anh, nếu không có công việc ổn định, nhiều thanh niên dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, khi mở rộng quy mô sản xuất, anh luôn cố gắng thu hút lao động địa phương, đào tạo và giúp họ có tay nghề.
"Tôi sẵn sàng đào tạo những người chưa có kinh nghiệm, hướng dẫn họ từ những công đoạn cơ bản nhất, để họ dần làm chủ kỹ thuật, tự tin vào bản thân và có thu nhập ổn định", anh Huy nói.
Anh quan niệm rằng khi một người có công việc ổn định, họ không chỉ kiếm sống mà còn có động lực phát triển, thay đổi tư duy, góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn. Do đó, ngoài việc điều hành sản xuất, anh Huy luôn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, truyền động lực để thế hệ trẻ có ý chí vươn lên, không ngừng học hỏi và sáng tạo.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, nhưng với anh Huy, việc cải tiến chưa bao giờ dừng lại. Anh luôn trăn trở làm sao để những chiếc máy của mình hữu ích hơn, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của bà con nông dân.
Hơn hai thập kỷ gắn bó với hành trình sáng chế, anh Tạ Đình Huy đã không ít lần đứng trước những lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp lớn. Nhiều đơn vị sẵn sàng hỗ trợ mở rộng thương hiệu, lo toàn bộ khâu phát triển thị trường để sản phẩm của anh vươn xa hơn.
Tuy nhiên, thay vì chọn con đường thương mại hóa nhanh chóng, anh Huy quyết định đi một lối riêng - kiên trì với lý tưởng phục vụ bà con nông dân.
Với anh, giá trị cốt lõi của sáng chế không nằm ở lợi nhuận, mà ở việc sản phẩm có thực sự hữu ích, có thể hỗ trợ người nông dân giảm bớt vất vả trong lao động hay không.
Chính vì vậy, anh dành nhiều thời gian lắng nghe phản hồi từ bà con, trực tiếp theo dõi quá trình vận hành máy móc trên đồng ruộng, từ đó liên tục cải tiến để sản phẩm phù hợp hơn với thực tế sản xuất. Anh quan niệm rằng chỉ khi máy móc thực sự đáp ứng nhu cầu, giúp tăng năng suất và giảm sức lao động, thì đó mới là thành công trọn vẹn.
"Bà con được lợi, thanh niên quê mình có nghề nghiệp ổn định, làng xóm phát triển đi lên, đó mới là điều khiến tôi thấy vui nhất", người kỹ sư "chân đất" chia sẻ bằng giọng đầy tự hào, ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Nội dung: Minh Nhật, Tùng Lâm
Ảnh: Hùng Anh
Video: Đoàn Thủy
Thiết kế: Tuấn Huy
11/04/2025 - 07:28
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/anh-tho-lang-che-may-nong-nghiep-23-trong-1-ban-hang-nghin-chiec-20250407180652842.htm
Bình luận (0)