Di sản và hoạt động du lịch luôn có sự tương tác qua lại, hỗ trợ nhau cũng phát triển. Khi di sản là nguồn tài nguyên cho ngành Du lịch khai thác, thì du lịch thổi hồn, quảng bá, nâng cao tầm giá trị cho di sản.
Nghi lễ then được đồng bào Tày Định Hóa tái hiện phục vụ du khách. |
“Mỏ vàng lộ thiên”
Hơn 1.000 di tích lịch sử - văn hóa đã được kiểm kê. Hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm. Đó là những di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể trên địa bàn của tỉnh, “mỏ vàng lộ thiên” đang được ngành Du lịch khai thác bài bản, hiệu quả.
Ông Hoàng Ngọc Thịnh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp làm du lịch và địa phương có di sản, đó là cách giúp cho ngành Du lịch phát triển, đồng thời tạo nguồn thu tại chỗ để “bồi bổ” cho di sản được nâng tầm.
Nét xưa cổ kính phải nhắc đến hệ thống đình, đền, chùa mang kiến trúc nghệ thuật Á Đông, ví như: chùa Phù Liễn, chùa Đán, chùa Hang (TP. Thái Nguyên); chùa Sơn Dược (Đại Từ); chùa Thuần Lương (TP. Sông Công); đền Đuổm (Phú Lương); cụm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình)… Sau 9 năm cả nước trường kỳ gian khổ kháng chiến, những tên làng, tên đất như: Khau Tý (Điềm Mặc); Khuôn Tát (Phú Đình); Bảo Biên (Bảo Linh); Làng Quặng (Định Biên)... huyện Định Hóa trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên: Thông qua hoạt động du lịch, di sản được giới thiệu quảng bá rộng rãi đến nhân dân, du khách, nhất là học sinh, sinh viên trong quá trình trải nghiệm thực tế để hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của đất nước; về một nét đẹp văn hóa truyền thống của một dân tộc, quốc gia.
Vẫn còn đây những dấu tích anh hùng của thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sừng sững bên cầu Gia Bảy (TP. Thái Nguyên) bia ghi danh các chiến sĩ Trung đội Tự vệ Tiểu khu Hoàng Văn Thụ. Uy nghi, trang nghiêm một Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên). Và ở xã Thần Sa (Võ Nhai) có Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm - một di chỉ khảo cổ thuộc thời đại đá cũ với kỹ nghệ Ngườm nổi tiếng, dấu tích của loài người sinh sống cách đây khoảng 41.500 năm.
Từ làm du lịch, những câu chuyện cổ tích về mường trời, mường đất của đồng bào các dân tộc được kể lại cho du khách cùng thưởng thức. |
Cùng hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử và khảo cổ học, trên vùng đất nửa đồng, nửa núi Thái Nguyên còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, điển hình như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, múa Tắc Xình của người Sán Chay và Lễ cấp sắc của người Dao… Nếu các di tích lịch sử trở thành điểm đến, thì các di sản văn hóa phi vật thể trở thành “món đặc sản” tinh thần được trình diễn, giao lưu giữa người dân địa phương với du khách.
Nâng tầm giá trị di sản
Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sĩ Mai Thị Hạnh, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Di sản tồn tại ở các dạng vật thể và phi vật thể. Nhưng nếu chỉ cất giữ, bảo quản thì di sản khó phát huy được giá trị, thậm chí trở thành vật vô nghĩa và nhanh chóng mai một theo thời gian.
Ẩm thực gắn với văn hóa trà, một nét đẹp của du lịch Thái Nguyên. |
Hát sường cô của đồng bào dân tộc Ngái Thái Nguyên là một minh chứng. Mờ nhạt đến mức gần như không còn tồn tại trong đời sống tinh thần của đồng bào, chỉ khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc, mất nhiều tháng, các nghệ nhân mới ghi chép được 5 bài hát của dân tộc mình. Thực tế có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử và một số nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc bị mai một, Nhà nước phải đầu tư hàng tỷ đồng cùng rất nhiều thời gian, công sức để phục dựng, bảo tồn.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được nhân dân gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị thông qua hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Điển hình như các di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Múa Tắc xình của dân tộc Sán Chay; Nghi lễ Tết Nhảy của dân tộc Dao; Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày… |
Đặc biệt, tri thức dân gian trồng và chế biến chè ở vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ nhân Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, phấn chấn: Mấy đời nhà tôi sống nhờ cây chè cũng mừng vì việc trồng chè, chế biến chè được xếp vào tri thức dân gian. Nhất là từ khi được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản, sản phẩm chè của vùng Tân Cương trở nên có giá trị hơn rất nhiều so với trước đây. Vui nhất là vùng chè Tân Cương thường xuyên có du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Thái Nguyên vừa mời gọi nhà đầu tư đến hợp tác phát triển du lịch, vừa phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đúc kết: Thông qua hoạt động du lịch, giá trị của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được nâng tầm, lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước, mà theo du khách đến nhiều châu lục trên thế giới.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-qua-hoat-dong-du-lich-7af1b37/
Bình luận (0)