Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa BMC Medicine cho thấy lượng caffeine trong máu cao hơn trong thời gian dài có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại cả bệnh béo phì và bệnh khớp – 2 căn bệnh là nỗi ám ảnh người từ 50 tuổi trở lên.
Nghiên cứu quốc tế do tiến sĩ Loukas Zagkos tại Đại học Hoàng gia London (Anh) và tiến sĩ Héléne T.Cronjé tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) dẫn đầu, đã tìm hiểu tác động của caffeine đối với bệnh viêm xương khớp và một số tình trạng khác.
Caffeine là thành phần chính của cà phê, ngoài ra, nó cũng có trong trà và nước ngọt.
Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm mức caffeine trong máu của 9.876 người trong độ tuổi từ 47 đến 71.
Những người tham gia được chia thành các nhóm dựa trên loại đồ uống có chứa caffeine mà họ đã uống. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp phân tích để tìm ra mối liên quan giữa lượng caffeine trong huyết tương và quá trình trao đổi chất.
Kết quả đã phát hiện ra rằng hàm lượng caffeine cao trong máu trong thời gian dài có thể giúp cơ thể chống lại béo phì và bệnh về khớp, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nhóm nghiên cứu kết luận: Chúng tôi báo cáo bằng chứng mới cho thấy tăng lượng caffeine lưu thông trong máu trong thời gian dài có thể giúp giảm trọng lượng cơ thể và giảm cả nguy cơ mắc bệnh xương khớp và viêm xương khớp. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu lâm sàng sâu hơn để hiểu rõ hơn những phát hiện này trước khi đưa ra các biện pháp can thiệp thực hành lâm sàng hoặc lối sống liên quan đến tiêu thụ caffeine.
Tiêu thụ bao nhiêu caffeine mỗi ngày là an toàn?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo người lớn tiêu thụ tối đa 400 miligam caffeine mỗi ngày. Con số này tương đương với 3-4 tách cà phê.
Và điều quan trọng là phải theo dõi lượng caffeine hấp thụ và tác động của nó đối với cơ thể bạn, theo Healthline.