Ninh ThuậnLoài thằn lằn mù mới thuộc họ Dibamidae có màu sắc thay đổi từ nâu xám đến nâu hồng, với các đốm xám lớn không đồng đều, được các nhà khoa học phát hiện tại Vườn quốc gia Núi Chúa.
Loài thằn lằn mù mới có tên khoa học Dibamus deimontis, được đặt theo tên của địa danh nơi phát hiện (trong tiếng latin “deimontis” có nghĩa là “núi Chúa”). Loài mới được các chuyên gia của Việt Nam và Liên bang Nga phát hiện và mô tả dựa trên các mẫu vật thu thập trong đợt khảo sát thực địa trong năm 2023 của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga tại Vườn quốc gia Núi Chúa. Đây là loài thứ 8 của giống Dibamus được ghi nhận ở Việt Nam. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zootaxa hồi đầu tháng 2.
Thạc sĩ Lê Xuân Sơn, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga cho biết loài thằn lằn mới có chiều dài tối đa 13,6cm, chiều dài đuôi trung bình khoảng 3,0 cm, có màu sắc thay đổi từ nâu xám đến nâu hồng, với các đốm xám lớn không đồng đều trên cơ thể. Hình thái ngoài rất giống với các loài giun đất, với đặc điểm sống ẩn trong đất hoặc dưới lớp thảm mục thực vật nên mắt của chúng gần như đã bị thoái hóa và được che phủ hoàn toàn bởi lớp vảy ngoài. Chi trước biến mất hoàn toàn, chi sau chỉ xuất hiện ở các mẫu đực nhưng rất thô sơ. “Sự xuất hiện của đường rãnh nhỏ không hoàn chỉnh trên môi và mũi là đặc điểm quan trọng để phân biệt loài này với các loài khác trong cùng giống”, ông Sơn nói.
Loài D. deimontis được phân biệt với các loài khác trong cùng giống bằng sự kết hợp các đặc điểm hình thái bao gồm các đường rãnh môi, môi và mũi bị khuyết; 3 – 5 vảy ở mép sau của môi dưới; 22 – 25 hàng vảy ở giữa thân; 193 – 225 vảy bụng; 47 – 55 vảy dưới đuôi; 115 đốt sống lưng và 27 đốt sống đuôi; chiều dài mõm tối đa là 136,2 mm.
Ông nói thêm, Dibamus deimontis được mô tả dựa trên 8 mẫu vật được thu thập ở độ cao từ 670 – 700m so với mực nước biển, phần lớn các mẫu vật được phát hiện ở những khu vực ẩm ướt, cạnh các vũng nước nhỏ hoặc ven suối. Chúng thưởng ẩn mình dưới đá hoặc trên tảng đá lớn nơi được phủ kín bởi rêu, dương xỉ và thảm mục. Trên cùng tảng đá lớn nơi phát hiện mẫu vật của loài này, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận sự xuất hiện của các mẫu giun, cuốn chiếu, rết và một số loài côn trùng khác. “Khi bị quấy rầy, chúng sẽ ngọ nguậy liên tục để thoát thân từ trên đá xuống đất và nhanh chóng lẩn trốn tương tự như các loài giun”, ông cho hay.
Trước đó một loài khác là Dibamus tropcentr cũng được mô tả ở VQG Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Song theo ThS Sơn, khác với loài D. tropcentr được phát hiện ở sinh cảnh rừng thường xanh khô ven biển vùng đất thấp (độ cao 200 – 300 m so với mực nước biển), loài D. deimontis được tìm thấy ở sinh cảnh rừng thường xanh ẩm trên núi, gần đỉnh núi Chúa (độ cao 670 – 700 m so với mực nước biển). Mặc dù nhóm nghiên cứu đã chú trọng tìm kiếm ở các đai độ cao khác nhưng không có phát hiện thêm cá thể nào của giống Dibamus.
Ông cho hay để có thể xác định chính xác phạm vi phân bố của các loài này cần thiết phải có các nghiên cứu sâu hơn, tuy nhiên bước đầu có thể khẳng định vùng phân bố của chúng hoàn toàn không trùng lặp. Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu cho thấy các loài của họ Dibamidae có đặc điểm chung là loài đặc hữu hẹp. Do đó rất có thể loài hai loài này chỉ phân bố giới hạn ở các sinh cảnh được phát hiện.
“Sự phát hiện loài D. deimontis đã cung cấp thêm bằng chứng cho sự đa dạng về các loài động vật của VQG Núi Chúa và tầm quan trọng của Việt Nam với vai trò là trung tâm đa dạng của các loài bò sát đặc hữu Đông Nam Á”, ông Sơn nói.
Như Quỳnh