8 ngày sau ca phẫu thuật nâng ngực, người phụ nữ 39 tuổi đau ở mặt trong cánh tay trái, bác sĩ phát hiện có huyết khối tĩnh mạch.
Tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân cho biết trong quá trình phẫu thuật nâng ngực, bác sĩ truyền tĩnh mạch tay trái gần vị trí đau. Siêu âm mạch máu cho thấy huyết khối dọc mặt trong cánh tay và mặt trước cẳng tay, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị huyết khối do biến chứng truyền tĩnh mạch.
Ngày 27/6, bác sĩ Đào Danh Vĩnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, cho biết đây là bệnh lý hiếm gặp, chiếm 5% trường hợp bệnh tĩnh mạch chi dưới và thường gặp ở người từng được can thiệp y khoa, như bệnh nhân này là do đặt đường tiêm truyền để nâng ngực. Bệnh nhân còn có tĩnh mạch cánh tay nhỏ và đổ thấp hơn so với bình thường, là yếu tố khiến dễ bị huyết khối.
Bác sĩ cũng cảnh báo với bệnh lý này, nếu về sau bệnh nhân vẫn tiêm truyền ở tay sẽ tiếp tục bị tắc huyết khối tương tự.
Huyết khối tĩnh mạch cánh tay (chi trên) là bệnh lý hiếm gặp gây suy giảm khả năng hồi lưu của tĩnh mạch. Huyết khối nguyên phát thường không có nguyên nhân cụ thể, hay gặp trong bệnh cảnh tăng đông máu toàn thân. Còn huyết khối thứ phát là hậu quả của các bệnh lý tại chỗ, hoặc toàn thân, hoặc do biến chứng của can thiệp y khoa.
Bác sĩ Nguyễn Trí Kiên, Chuyên khoa Tim mạch, cho biết huyết khối tĩnh mạch chi trên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm như tắc tĩnh mạch phổi.
Trường hợp huyết khối nông, đa số sẽ tự khỏi. Với huyết khối sâu, tùy trường hợp sẽ điều trị bằng thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc chống đông. Bệnh nhân trên điều trị bằng thuốc, sau 5 ngày triệu chứng đau đã cải thiện.
Bác sĩ khuyến cáo người có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch cần đi khám ngay nếu sưng, đau cánh tay bất thường như khi sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp nội tiết thay thế; mang thai hoặc trong thời kỳ hậu sản; hạn chế vận động, bất động lâu.
Lê Nga