Với nhiệm vụ tham mưu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi toàn tỉnh, trong những năm qua, Sở Nội vụ luôn bám sát và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó hoàn thành toàn bộ chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Góp phần tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng.
Được và chưa được
Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong những năm qua đã được triển khai theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị và địa phương ngày càng nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ mới. Từ đó nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên toàn tỉnh. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức khá chặt chẽ, đồng bộ; thực hiện tốt việc sử dụng, quản lý kinh phí đào tạo cũng như thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng tập trung vào việc bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên được mời tham gia giảng dạy phần lớn là những cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm thực tiễn của các sở, ngành cấp tỉnh, các giảng viên có uy tín tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh nên nội dung truyền đạt sát với tình hình thực tế của địa phương. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua đã tạo điều kiện cũng như động lực để công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước phát triển. Công tác bồi dưỡng, nghiên cứu ở nước ngoài và bồi dưỡng trong nước có giảng viên nước ngoài giảng dạy được quan tâm, đẩy mạnh. Các chuyên ngành được chọn để bồi dưỡng là những ngành, lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những ưu điểm đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa tham gia học tập, vừa phải hoàn thành công tác chuyên môn, do đó sự chuyên tâm dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng đôi khi còn chưa cao. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được quan tâm nhưng khả năng ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nên còn khó khăn trong việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn bị động trong việc sắp xếp công việc, thời gian đề cử cán bộ, công chức tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng nặng về lý luận, dàn trải, thiếu sự liên thông, kế thừa, trùng lặp về nội dung, thiếu tính thiết thực, chưa đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, công chức. Do vậy, mặc dù đã được đào tạo, bồi dưỡng, một số cán bộ, công chức còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Cần phải đổi mới
Để chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đạt yêu cầu đề ra, vấn đề đầu tiên là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hành chính bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động của cơ quan hành chính, nhất là trong giải quyết các yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Nghiêm túc triển khai các quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức để xây dựng chức danh, tiêu chuẩn, vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức cho phù hợp, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cụ thể, khả thi, thiết thực, đảm bảo hoàn thành yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuẩn về chức danh cán bộ và ngạch công chức theo quy định. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, quy định theo tiêu chuẩn. Cần dành một tỷ lệ thích hợp cho kỹ năng thực hành trong cấu trúc chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác nhau để khi gặp những tình huống cụ thể trong công tác thì cán bộ có thể xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả. Đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cần chú trọng xây dựng nội dung kiến thức chuyên ngành khoa học lãnh đạo, trong đó đi sâu về kỹ năng lãnh đạo, nghệ thuật lãnh đạo nhằm trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng cần thiết về lãnh đạo. Chú trọng gắn liền nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, cập nhật những chủ trương, chính sách mới và kinh nghiệm thực tế trong việc giải quyết những tình huống cụ thể thường xảy ra ở cơ sở giúp nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ. Cho phép cán bộ được lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, thiết thực với nhu cầu công việc, từ đó có động lực và thái độ học tập tích cực, nghiêm túc.
Thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đã đạt chuẩn ở những trình độ nhất định, đã qua thực tiễn, có nhiều kinh nghiệm công tác, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, phân tích đánh giá vấn đề. Vì vậy, nên định hướng nội dung học tập, nghiên cứu, nêu vấn đề, tình huống và hướng dẫn, gợi mở, đối thoại để rèn luyện phương pháp, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống. Để việc học tập có kết quả, đạt chất lượng cao, sau mỗi bài học, cụm chuyên đề nên cho học viên đi nghiên cứu, khảo sát thực tế, thực tập rút kinh nghiệm với thời gian thích hợp. Do vậy phải đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý gắn với vị trí và trách nhiệm tương ứng của cán bộ. Tùy theo đặc thù của từng môn học có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp, vận dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến kết hợp sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học hiện đại. Đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ sở đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ cơ sở cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng. Các chương trình, giáo trình phải phù hợp với thời gian đào tạo và các hệ đào tạo khác nhau, tránh sự trùng lặp kiến thức gây nhàm chán và lãng phí thời gian. Cùng với đó, phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với tính chất và đặc điểm của vùng, miền, dân tộc, qua đó tiến tới đào tạo, bồi dưỡng dựa trên cơ sở năng lực thực hiện công việc, góp phần phát triển kỹ năng làm việc, nâng cao hiệu quả công tác của cán bộ, công chức trong thời gian tới.