Các bộ ngành đã giới thiệu gần 1.000 nhân sự cho Quốc hội, trong đó hơn 300 người được bổ sung vào nguồn quy hoạch đại biểu Quốc hội khóa tới, theo ông Vương Đình Huệ.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn báo giới về việc xây dựng luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
– Quốc hội đã có một năm bận rộn khi có nhiều kỳ họp với khối lượng công việc lớn. Ông đánh giá thế nào về kết quả xây dựng chính sách trong năm 2023?
– Theo Hiến pháp, Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ, nhưng riêng năm 2023 có 5 kỳ, với 3 kỳ họp bất thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng làm việc 16-17 phiên và cũng tổ chức hai phiên chất vấn, cùng với chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua 16 dự án luật, cho ý kiến 10 dự án luật khác, thông qua 6 nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua một pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh. 114/137 nhiệm vụ lập pháp, tương đương 83% của cả nhiệm kỳ đã được hoàn thành. Trong lịch sử 78 năm, chưa khi nào khối lượng công việc của Quốc hội lớn đến thế.
Nhiều người hỏi vì sao ngày lễ, ngày Tết Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Bản thân chúng tôi không muốn vất vả như thế, cũng không muốn đại biểu, cán bộ, công nhân viên Văn phòng Quốc hội thức đêm, không có cuối tuần. Nhưng trình các dự án luật, nghị quyết để giải quyết các vấn đề cấp bách là việc phải làm ngay. Đó là lý do ai cũng phải cố gắng gấp đôi, gấp ba.
– Trong quá trình xây dựng các dự án luật trong năm, đâu là dự án để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất?
– Thực tế cuộc sống phong phú nên nhiệm vụ lập pháp cũng được thay đổi cho phù hợp tình hình. Có những việc tôi nghĩ nếu sau này nghỉ hưu và viết hồi ký, có khi sách bán cũng “đắt” khách đấy. Đơn cử như câu chuyện trước kỳ họp thứ 6, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vào chương trình dự thảo nghị quyết Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nghị quyết của Quốc hội về cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Với nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần đã kết luận, đồng ý trình Quốc hội, nhưng nội dung thứ hai, họp 2 lần cũng không thông qua được để trình. Nguyên nhân là việc lập dự toán ngân sách hàng năm, chi tiền hỗ trợ cho các tập đoàn để thu hút đầu tư chưa có tiền lệ trên thế giới. Do đó, ngay tại phiên họp trù bị, chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội cho rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu và được Quốc hội đồng ý.
Nhưng một tuần sau, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến tôi, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ, mà phải thông qua đồng thời cả hai nghị quyết, nếu không thì nên hoãn lại. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả hai dự thảo nghị quyết này.
Bất ngờ là sau đó, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, đề nghị nếu chưa có nghị quyết hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao thì Quốc hội cần sớm thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Họ lo tranh chấp về mặt pháp lý vì phải làm nghĩa vụ thuế ở nhiều nước, rất phức tạp, ảnh hưởng tới việc lập kế hoạch tài chính và phương án nộp thuế của các doanh nghiệp từ năm 2024.
Trước tình thế đó, trong ngày nghỉ đầu tiên giữa hai đợt họp, tôi làm việc với các cơ quan, gợi ý trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp và thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này chứ không chi bằng dự toán ngân sách nhà nước nên được các cơ quan đồng ý. Thủ tướng khi biết tin cũng phấn khởi lắm, nửa đêm còn gọi điện chia sẻ với tôi.
Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xin Quốc hội đưa trở lại chương trình nội dung thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế. Riêng vấn đề này, năm tới chúng ta thu được khoảng 15.000 tỷ đồng mà nếu không có nghị quyết thì không thu được khoản tiền này.
Đồng thời, các cơ quan cũng trình Quốc hội đồng ý chủ trương cho lập quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn này và các nguồn lực khác, giao Chính phủ xây dựng Nghị định quy định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quyết sách này được dư luận đánh giá rất cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Đó là điển hình của câu chuyện “kéo pháo vào và kéo pháo ra” trong làm luật, nhưng là để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và kiến tạo phát triển. Bản thân Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn phương án tối ưu.
– Có luật, nghị quyết được bổ sung vào chương trình kỳ họp nhưng cũng có luật phải lùi thời gian thông qua. Ông nói gì về việc này?
– Tại kỳ họp 6, Quốc hội chưa thông qua hai dự luật, trong đó có luật Đất đai sửa đổi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân, doanh nghiệp đồng tình. Chúng ta không chạy theo số lượng, dù cấp bách nhưng phải đáp ứng yêu cầu chất lượng, không hấp tấp, vội vàng. Luật Đất đai tầm quan trọng chỉ đứng sau Hiến pháp, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội và người dân, không phải tự nhiên có tới 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân góp ý cho luật này.
Trước kỳ họp thứ 6 có 6 nội dung lớn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình, thống nhất; 7 nội dung lớn Đảng đoàn báo cáo Bộ Chính trị đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, nhiều nội dung vẫn chưa thống nhất phương án. Việc dừng lại chưa thông qua dự án luật có thể nói là một sự kiện, giống như trước đây dừng Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp Quốc hội thứ 2. Thực tế là chỉ thêm một tháng hoàn thiện, chất lượng dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã rất khác, nhất là về cơ chế tự chủ tài chính, cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành y tế.
Vừa qua, Quốc hội đã họp phiên bất thường thông qua Luật Đất đai sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng như: quy định cụ thể 32 trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng; đa dạng hình thức bồi thường cho người có đất bị thu hồi; mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp; cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ trước 1/7/2014.
– Năm 2023, Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn với ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Ông đánh giá thế nào về kết quả và suy nghĩ gì về đề xuất chỉ lấy phiếu tín nhiệm với hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm?
– Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại Quốc hội có quy mô lớn và được tiến hành chặt chẽ, công phu. Không khí trước, trong và sau khi lấy phiếu thoải mái, đoàn kết, dân chủ. Tình trạng vận động, lobby, mời đoàn nọ, đoàn kia trước khi lấy phiếu tín nhiệm cũng không xảy ra.
44 chức danh đưa ra lấy phiếu tín nhiệm thì đều có tín nhiệm và tín nhiệm cao chiếm tỷ lệ chủ yếu. Là người đứng mũi chịu sào, quan điểm của tôi là giữa được việc và mất lòng thì chọn được việc và Chủ tịch Quốc hội luôn phải tạo áp lực cho cán bộ. Hoạt động khó khăn như thế mà được đánh giá là điểm giỏi, điểm khá thì tôi rất mừng và cảm thấy được động viên.
Có đại biểu đề nghị chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận kinh tế – xã hội xong mới tiến hành lấy phiếu nhưng tôi cho rằng việc này không cần thiết, vì lấy phiếu giữa nhiệm kỳ là đánh giá kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ. Dữ liệu, thông tin để các đại biểu đánh giá đã đầy đủ. Bên cạnh lá phiếu tín nhiệm, việc đánh giá cán bộ còn được thể hiện qua chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp, qua công tác giám sát của cử tri, nhân dân.
Có ý kiến đề nghị chỉ phân phiếu thành hai loại là có và không, tức là là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Nhưng như vậy không phải lấy phiếu tín nhiệm mà trở thành lấy phiếu bất tín nhiệm, không phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong vấn đề đánh giá cán bộ, nói đồng ý hay không đồng ý, tín nhiệm hay không tín nhiệm là chuyện không hề đơn giản. Lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một trong nhiều kênh, không phải duy nhất để đánh giá cán bộ.
– Khi nhận nhiệm vụ, ông mong muốn xây dựng Quốc hội mạnh thông qua từng đại biểu mạnh. Nhiệm kỳ khóa 15 đã đi được nửa chặng đường, Quốc hội hoạt động đáp ứng bao nhiêu phần trăm sự kỳ vọng của ông?
– Chất lượng kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Vai trò là đại biểu Quốc hội là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội và sự phối hợp giữa Quốc hội nói chung với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị như Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát tối cao, Mặt trận Tổ quốc.
Thời gian qua, sự chủ động tham gia của đại biểu Quốc hội ngày càng tăng lên, thể hiện qua việc đăng ký phát biểu. Có những phiên, thời gian bố trí chỉ đáp ứng được một phần ba, phần năm số lượng đại biểu đăng ký. Những ý kiến của đại biểu thể hiện sự đóng góp của họ đối với hoạt động của Quốc hội, nhưng cũng thể hiện vai trò đại diện giám sát của cử tri, nhân dân.
Tôi cho rằng Quốc hội phát huy tinh thần dân chủ cao mới có nhiều đại biểu phát biểu như vậy. Thực tế, không có bất cứ một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội góp ý mà không được tiếp thu và giải trình, đôi khi những ý kiến thiểu số lại trở thành quyết sách của Quốc hội.
Thành quả của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay mà được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rồi cử tri nhân dân đánh giá cao thì rõ ràng đóng góp của đại biểu Quốc hội là rất nổi bật. Chất lượng đại biểu của các khóa ngày càng được chú trọng, nâng cao.
– Đổi mới hoạt động của Quốc hội để tiến lên phía trước luôn là mục tiêu mà ông đề ra và mong muốn các cơ quan hướng tới. Vậy thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung những nhiệm vụ lớn nào để đạt được mục tiêu này?
– Đổi mới là nhu cầu của cuộc sống và là trách nhiệm phải làm. Kế thừa và giữ được phong độ như Quốc hội các khóa trước là đã khó, nhưng chúng tôi còn phải tiến lên phía trước, không được phép dừng lại. Để làm được điều này, khâu quan trọng nhất vẫn là vấn đề đại biểu.
Quy hoạch xây dựng đội ngũ đại biểu cho khóa sau nhất là đại biểu chuyên trách đang được các cơ quan Quốc hội tích cực thực hiện, không để lặp lại tình trạng như khóa trước là không đảm bảo số lượng 133 đại biểu chuyên trách. Đảng đoàn Quốc hội đã đề nghị ban cán sự đảng các cơ quan Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy địa phương giới thiệu nhân sự cho Quốc hội. Đây sẽ là nguồn đại biểu làm ủy viên chuyên trách, ủy viên thường trực, chức danh lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội.
Gần 1.000 nhân sự bộ, ngành và cơ quan đã giới thiệu cho Quốc hội. Qua sàng lọc, hơn 300 người đã được bổ sung vào nguồn quy hoạch cho đại biểu Quốc hội khóa tới. Họ gồm đại biểu đương chức; lãnh đạo địa phương, cơ quan thuộc Chính phủ, công an, quân đội.
Mục tiêu là tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên khoảng 40%. Để làm được, các cơ quan của Quốc hội phải rà soát, sàng lọc từng năm; nhân sự cho khóa sau cần chu đáo, đầy đủ hơn khóa trước. Có như vậy, đại biểu Quốc hội kỳ nào cũng được cử tri đánh giá tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ và xây dựng.