FPT đặt mục tiêu M&A để đẩy nhanh quá trình thực hiện các hợp đồng lớn và đặc biệt quan tâm những công ty ngành ôtô.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, tại phiên họp thường niên năm 2024, tổ chức chiều 10/4. Ảnh: FPT
Chiều nay, Tập đoàn FPT tổ chức phiên họp cổ đông thường niên năm 2024. Cuối năm ngoái, FPT đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài. Nhờ đó, những mảng trọng tâm như chip, bán dẫn, automotive hay AI của công ty này trở thành những chủ đề được cổ đông quan tâm nhất.
Theo kế hoạch trình cổ đông, năm nay, tập đoàn sẽ nâng cao năng lực trong lĩnh vực Automotive, với mục tiêu tăng trưởng 50% và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030. FPT cũng mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn, đặc biệt là đào tạo nhân sự, các dịch vụ về AI, Cloud, Cybersecurity cùng các dịch vụ hạ tầng mới.
Để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu, M&A tiếp tục là một hướng đi được quan tâm. “Những công ty nào làm ôtô, đặc biệt liên quan đến thiết kế ôtô, FPT đều muốn mua sạch”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch M&A năm nay.
Tại sao lại là ôtô? Theo Chủ tịch FPT, ngành ôtô thế giới hiện nay “rất lúng túng”. Những hãng xe truyền thống mang tính chất quá cơ khí, còn hãng xe điện thì “quá mềm”. Các hãng xe không thể mang những mô hình này áp dụng, họ cần một bên biết phần mềm và hiểu ngành ôtô.
“Điều này thực sự rất hiếm hoi và là cơ hội ở hiện tại. Họ cần những người hiểu ôtô, hiểu phần mềm và biết bảo mật”, ông Bình nói và cho rằng, FPT “may mắn là có khả năng”, với 4.000 nhân sự đang làm về mảng này. Nhưng để đi nhanh hơn, M&A là một giải pháp.
Ngoài ra, lợi thế khác của FPT là khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản, một thị trường M&A khó khăn với những công ty nước ngoài.
Một trong những thành công đầu năm nay của FPT là M&A được Next Advanced Communications (NAC), một công ty tại Nhật – đất nước mà các doanh nghiệp rất hạn chế bán vốn cho công ty nước ngoài.
“Người đứng đầu của NAC đã theo dõi FPT từ những hoạt động nhỏ, từ các giải bóng đá, văn nghệ, cho tới các hoạt động của trường Hope. Và ông ấy chọn FPT vì có tư duy gần nhất”, ông Bình nói và cho biết văn hóa doanh nghiệp có thể là chìa khóa giúp FPT tiến gần hơn với những doanh nghiệp ở đất nước mặt trời mọc.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc FPT, chiến lược M&A sẽ được thực hiện với tham vọng “không chỉ mở rộng mà đi sâu”, để rút ngắn thời gian làm các hợp đồng lớn. Trước đây, tập đoàn đoàn M&A chủ yếu ở thị trường Mỹ, đầu năm nay thực hiện tại Nhật. Hàn Quốc, Singapore, châu Âu sẽ là các thị trường mà FPT nhắm tới trong tương lai.
Năm ngoái, FPT đã thực hiện một loạt thương vụ M&A, hợp tác với các đối tác lớn. Chỉ trong một năm, FPT thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI.
Năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ, tăng khoảng 18% so với năm 2023. Nếu đạt mục tiêu, 2024 sẽ ghi nhận mốc lợi nhuận cao kỷ lục của tập đoàn và là năm thứ 7 tăng trưởng liên tiếp.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho biết FPT có thể tăng trưởng đều và liên tục do “tập trung vào con người, công nghệ và kỷ luật”. Ông khẳng định, với việc đạt được cột mốc 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài, con số 5 – 10 tỷ USD là “trong tầm tay”.
Trong cơ cấu doanh thu năm nay, khối công nghệ dự kiến đem về hơn 31.400 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Hai khối Viễn thông và Khối Giáo dục, Đầu tư khác mục tiêu doanh thu tăng trưởng lần lượt 11% lên 17.600 tỷ và tăng 14% lên 6.100 tỷ đồng.
FPT xác định giai đoạn 2024 – 2026 sẽ hướng đến tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và bắt đầu chuyển đổi thông minh. Ngoài định hướng với mảng automotive, AI, cloud, cybersecurity, FPT sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn, mở rộng các mô hình chip thiết kế và tham gia vào dịch vụ kiểm thử. Mục tiêu đến 2030, tập đoàn đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn.
Với đơn đặt hàng 70 triệu chip đến năm 2025, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thế Phương cho biết FPT làm chip đơn giản nên giá không cao.
“Chúng tôi làm về thiết kế, sau đó OEM cho các nhà máy Đài Loan, Nhật Bản sản xuất. Đơn hàng 70 triệu chip dự kiến mang về doanh thu khoảng 10 triệu USD, biên lợi nhuận xác định khiêm tốn vì đang trong giai đoạn đầu tư”, ông Phương cho hay.
Minh Sơn