Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nói bản thân luôn đặt lợi ích cổ đông lên trên hết, không kiểm soát cơ cấu HĐQT “bao nhiêu người đứng về phe mình”, dẫn đến tình trạng kéo bè kết phái khi có xung đột.
Phiên họp thường niên của Hòa Bình dự kiến khai mạc lúc 14h30 chiều nay, nhưng suýt bất thành và đến 16h30 mới có thể bắt đầu do phải chờ đủ trên 50% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.
Trong phần chia sẻ đầu phiên họp, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình nhận trách nhiệm khi để xảy ra một số sự việc đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình.
Cụ thể, vào cuối năm 2022, ông Hải nộp đơn từ chức Chủ tịch HĐQT để đảm bảo việc bổ nhiệm con trai trở lại giữ chức Tổng giám đốc. Tuy nhiên, do bất đồng nội bộ về quản trị nhân sự, ông rút lại quyết định rời HĐQT và vẫn giữ chức Chủ tịch. Con trai ông tiếp tục là Phó tổng giám đốc. “Ghế” Tổng giám đốc của Hòa Bình mới được bổ sung vào giữa tháng 5/2023.
Chủ tịch Hòa Bình nhìn nhận, xung đột thượng tầng vừa qua xuất phát từ cách quản lý khi ông sẵn sàng để những người có năng lực, trình độ và cùng tầm nhìn vào HĐQT mà không kiểm soát cơ cấu thành viên. Vì thế, có giai đoạn thành viên độc lập chiếm đến một nửa HĐQT, vượt 30% so với điều lệ công ty.
“Tôi không quan tâm bao nhiêu người đứng về phe mình, mà chỉ quan tâm quyết định của HĐQT phải phục vụ lợi ích của công ty chứ không vì lợi ích cá nhân nào. Chính điều này nên khi có xung đột lợi ích thì các thành viên lại kéo bè, kết phái”, ông Hải nói.
Dù vậy, Chủ tịch Hòa Bình chia sẻ, ông không hổ thẹn vì đã nỗ lực và làm tất cả những gì có thể để giúp công ty vượt qua khó khăn. “Mọi quyết định của tôi trong bất cứ tình thế nào đều được đưa ra trên nguyên tắc quyền lợi cao nhất của cổ đông, dù đôi khi phải hy sinh quyền lợi của bản thân”, ông nói.
Với tư cách “người chèo lái con thuyền Hòa Bình”, ông Hải cũng nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa công ty phát triển như kỳ vọng, chưa xứng đáng với niềm tin và mong mỏi của cổ đông.
Theo kết quả kinh doanh năm 2022 chưa kiểm toán, công ty ghi nhận doanh thu thuần 14.148 tỷ đồng và lỗ ròng 2.575 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng giá trị trúng thầu đạt 15.885 tỷ đồng, chưa đến 80% kế hoạch.
Người đứng đầu công ty trấn an cổ đông rằng, khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời và tự tin khi sóng gió qua đi, công ty sẽ khôi phục lại vị thế và bứt phá mạnh mẽ. Ông cho biết đã có nhiều tín hiệu lạc quan nên quyết định giữ mục tiêu doanh thu xác định từ đầu năm là 12.500 tỷ và lợi nhuận 125 tỷ đồng. Kế hoạch này lần lượt cao hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu và 25 tỷ đồng lợi nhuận so với thông tin công bố trong tài liệu họp cổ đông.
“Đây là kế hoạch đầy thử thách nhưng bằng nhiều sáng kiến và nỗ lực vượt bậc, chúng tôi đánh giá không phải mục tiêu bất khả thi”, ông Hải nói.
Theo Tổng giám đốc Lê Văn Nam, kế hoạch kinh doanh của Hòa Bình được xây dựng trên điều kiện kinh tế bình thường như hiện nay. Nếu mọi thứ diễn biến xấu hơn, công ty đã chuẩn bị cho kịch bản bi quan nhất là doanh thu chỉ đạt 9.500 tỷ đồng, tức giảm khoảng 33% so với năm ngoái.
Ông Nam nói thêm, mục tiêu ba năm tới của Hòa Bình là cải thiện hai chỉ tiêu tài chính quan trọng: lợi nhuận ròng bằng 2% doanh thu và dòng tiền từ sản xuất kinh doanh không âm.
Người đứng đầu ban điều hành cho biết đang triển khai rất quyết liệt kế hoạch tái cấu trúc toàn diện để khôi phục vị thế vốn có. Kế hoạch này gồm tái cấu trúc tài chính, nguồn nhân lực, sản phẩm, thị trường, hệ thống quản lý và danh mục công ty thành viên, liên kết.
Phương Đông