Không ít chị em chọn làm nội trợ toàn thời gian, đặt gia đình lên trên sự nghiệp. Quyết định này dù mang lại nhiều giá trị tinh thần cho gia đình, nhưng đôi lúc khiến họ có phần hối tiếc khi không làm ra tiền hoặc yếu thế trước nửa kia.
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Từng là nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Hương (39 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng. "Khi hết thai sản, tôi phải quay lại làm việc. Nhưng con thiếu hơi mẹ là quấy khóc, không ai chăm được", chị nhớ lại.
Cả ngày loay hoay việc nhà
Mẹ chồng lên phố phụ giúp nhưng vì gia đình ở quê neo người nên bà không thể ở lại lâu. Việc tìm chỗ gửi con không dễ dàng khi con hay quấy và chi phí giữ trẻ, tã, sữa gần như "ăn" hết đồng lương văn phòng của chị.
Cuối cùng chồng đề nghị chị nghỉ việc để tiện chăm con. Chị không ngần ngại viết đơn nghỉ ngay. Vài năm sau chị sinh thêm bé thứ hai, và từ đó chính thức trở thành một bà nội trợ toàn thời gian. Sau hơn mười năm, chị bộc bạch quyết định ở nhà làm nội trợ là... sai lầm lớn nhất của mình.
Chị thường ví von mình là "osin" của ba cha con khi mọi công việc nhà đều dồn hết vào tay. Chi phí sinh hoạt gia đình hằng tháng vẫn phụ thuộc vào lương chồng. "Thời buổi này giá cả cái gì cũng tăng. Nhiều lúc chưa hết tháng đã hết tiền, tôi nói chồng đưa thêm thì anh ấy lại nhăn nhó, hỏi tôi xài gì mà sang thế", giọng chị buồn buồn.
Cảm giác bất lực càng nhân lên khi nhà chồng so sánh chị với cô em dâu làm trưởng phòng một công ty, thu nhập khá, có thể tự bỏ tiền túi biếu quà cha mẹ chồng mỗi dịp lễ Tết. Chị Hương tủi thân, nhất là khi bị mang tiếng ngửa tay xin tiền chồng.
Khi ba ruột ở quê bệnh, em trai gọi mượn tiền đưa ông đi viện, chị không có đồng nào để giúp. "Tôi nhận ra rằng sau hơn mười năm ở nhà làm nội trợ, vừa mang tiếng lười biếng, vừa không có lấy một đồng nào trong người", chị tâm sự.
Đôi khi lướt mạng, chị đọc thông tin những người đồng cảnh ngộ chia sẻ nếu chẳng may vợ chồng lục đục thì sẽ trắng tay, bơ vơ. Điều đó càng làm chị lo lắng về tương lai.
Nội trợ vẫn đau đáu chuyện tự chủ tài chính
Không giống chị Hương, chị Thanh Thảo (31 tuổi, TP Thủ Đức) chọn con đường làm nội trợ toàn thời gian nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Ngay từ khi hẹn hò, chị âm thầm tìm hiểu, chọn lựa kỹ lưỡng về tiềm lực tài chính và khả năng kiếm tiền của đối phương trước khi tiến tới hôn nhân. Chồng lớn hơn chị 7 tuổi, có sẵn cơ sở kinh doanh thừa kế từ ba mẹ. Công việc của anh thuận lợi nên dù chị không có thu nhập, gia đình vẫn đủ đầy.
Tuy nhiên cuộc sống nội trợ không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng như chị tưởng. "Nhiều lúc đi chợ, tôi phải đau đầu tính toán chi tiêu sao cho vừa khít với số tiền chồng đưa, đâu còn như thời sinh viên, hết tiền thì xin thêm gia đình dễ dàng nữa", chị nói. Chưa kể, một số bạn bè xem thường vì cho rằng chị đang ăn bám chồng.
Mặc dù chồng vẫn tâm lý, không phân chia kiểu tiền anh tiền em, nhưng chị vẫn lo việc không có thu nhập riêng và những rủi ro xảy ra nếu lỡ như chồng không còn khả năng kiếm tiền. "Không biết lúc đó tôi phải làm thế nào", chị Thảo trăn trở.
Cũng nhiều tâm sự như chị Thảo, chị Thu Hạnh (40 tuổi, ngụ quận 5) là một người phụ nữ giỏi việc nhà, nấu ăn ngon và được lòng gia đình chồng. Chị kết hôn sau hai năm làm văn phòng. Khi con trai đầu lòng được 6 tháng tuổi, chị nghỉ làm ở nhà chăm con vì lo lắng con còi cọc, hay ốm vặt.
Gia đình chồng khá giả, thu nhập của chồng chị đủ lo cho cả nhà nên vấn đề tài chính không phải là mối lo. Chồng chị rất tôn trọng vợ và luôn nói rằng công việc nội trợ còn vất vả hơn các đồng nghiệp nữ trong công ty anh. Nhờ sự thấu hiểu của chồng, chị không cảm thấy mình là người ăn bám. Hạnh phúc gia đình chị đúng kiểu đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.
Chị vẫn có ý tìm hướng tài chính cho tương lai. "Sau này con lớn, có thể mình sẽ học thêm rồi đi làm lại, nhưng hiện tại mình hài lòng với cuộc sống như thế này. Chồng đi làm kiếm tiền, mình ở nhà chăm sóc ông bà, con cái. Mình không cảm thấy kiểu được chồng nuôi vì cả chồng và gia đình chồng đều tôn trọng và nhận biết được giá trị của mình", chị chia sẻ với nhóm bạn.
Tìm cách kiếm tiền khi ở nhà nội trợ
Lâu ngày trong thế kẹp giữa áp lực việc nhà và tiền bạc chi tiêu, hơn ai hết, chị Nguyễn Hương nhận ra có sự nghiệp riêng, dù là nhỏ bé, cũng giúp phụ nữ có được tiếng nói trong gia đình và xã hội, đồng thời giảm bớt áp lực kinh tế cho chồng.
"Chọn làm nội trợ là tùy quyết định mỗi người, nhưng phụ nữ cần tự trang bị kỹ năng và kiến thức để có thể tự chủ và độc lập trong bất kỳ hoàn cảnh nào", chị rút ra bài học. Chị đang lên kế hoạch kiếm tiền.
"Bây giờ tôi đi xin việc chắc không ai nhận vì hồ sơ trống trơn, lại có tuổi. Tôi tìm hiểu việc bán hàng online, hoặc cùng lắm mượn vốn từ chồng để mở tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà, kiếm thêm đồng ra đồng vào", chị chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/o-nha-noi-tro-tuong-lai-co-bap-benh-20250216101856439.htm
Bình luận (0)