Năm 2023 sắp khép lại với đầy ắp các sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp (12/4/1973-12/4/2023). Trong nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã vượt qua không ít thách thức và biến động lịch sử để phát triển và trở nên bền chặt hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Mối quan hệ được hình thành từ sự chân thành
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ vào ngày 12/4/1973. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Pháp là nước đi đầu trong việc khai thông quan hệ và xóa nợ, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ là thành viên Câu lạc bộ Paris.
20 năm sau ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, vào tháng 3/1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterand đã tới thăm Việt Nam. Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, đây là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam sau Đổi mới. Tại thời điểm đó, đoàn công tác do Tổng thống Pháp dẫn đầu gồm nhiều quan chức và doanh nghiệp Pháp. Từ đó, hai nước đã thiết lập mối quan hệ toàn diện, về kinh tế, nghiên cứu, giáo dục, y tế…
Năm 2004, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đại sứ Nicolas Warnery kể: Phát biểu tại Đại sứ quán, Tổng thống Jacques Chirac đã khẳng định rằng quan hệ giữa Việt Nam và Pháp là một mối quan hệ “đặc biệt, mạnh mẽ” và là một quan hệ được hình thành từ sự chân thành.
Sau đó, vào tháng 9/2013, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Dấu mốc này đã tạo đà đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Kể từ đó tới nay, mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển hết sức tốt đẹp. Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó đáng chú ý có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande (năm 2016); của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe (tháng 11/2018); Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (tháng 12/2022) và các chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3/2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2019)…
Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gửi thư và điện đàm với nhau. Gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm hôm 20/10.
Mặt khác, hai nước cũng duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp, nổi bật như đối thoại chiến lược an ninh-quốc phòng 2+2 giữa các Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì (phiên họp thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội tháng 1/2022); Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng (phiên họp lần thứ nhất tổ chức tại Paris tháng 7/2019).
Về hợp tác trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và hiện giữ chức Chủ tịch vùng châu Á-Thái Bình Dương của APF (gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và một số quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương). Quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước ngày càng phát triển tích cực thông qua việc thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị nhằm tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực.
Điểm sáng hợp tác kinh tế
Mặc dù quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Pháp đang phát triển tốt đẹp nhưng có thể nói, kinh tế mới là điểm sáng trong mối quan hệ này. Đại sứ Nicolas Warnery nói: “Kinh tế là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong mối quan hệ song phương Pháp-Việt, thể hiện qua các trao đổi thương mại giữa hai bên, các khoản đầu tư cũng như việc các doanh nghiệp Pháp xây dựng nhà máy và hoạt động tại Việt Nam, theo luật pháp của Việt Nam”.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm và làm việc tại thành phố Saintes. Ảnh: Thu Hà – TTXVN
Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019.
Trong ba năm gần đây, do tác động của dịch COVID-19, trao đổi thương mại giữa hai nước đã giảm nhẹ từ 4,81 tỷ USD năm 2020 xuống 4,8 tỷ USD năm 2021, trước khi tăng trở lại lên 5,33 tỷ USD vào năm 2022.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm-sứ-mây-tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, trong khi Pháp chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp-thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm.
Về đầu tư, tính đến tháng 3/2023, Pháp là nước đứng thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) và đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 673 dự án, tổng vốn đạt 3,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư Pháp tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện; các lĩnh vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản… Ở chiều ngược lại, tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đầu tư sang Pháp 18 dự án với tổng số vốn hơn 38 triệu USD.
Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương hàng đầu về vốn ODA cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á, với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro (gần 231 triệu USD) cho Việt Nam, tập trung vào ba lĩnh vực là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng là một trong số ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).
Ngoài chính trị và kinh tế, hai nước cũng đang hợp tác tích cực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế./.
Mai Hương