(Dân trí) – Phùng Thị Ánh – nữ sinh người dân tộc Nùng – đang học lớp 12, Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ánh sở hữu chứng chỉ tiếng Trung cao cấp HSK 5 với mức điểm 241/300.
Phùng Thị Ánh theo đuổi môn hóa học từ cấp 2. Thất bại trong kỳ thi học sinh giỏi hóa cấp tỉnh năm lớp 9 khiến cô nữ sinh xinh đẹp càng quyết tâm chinh phục môn học này ở cấp 3. Kết quả là, khi đang học lớp 11, Ánh đã giành giải ba học sinh giỏi hóa vượt cấp lớp 12.
Cùng năm, Ánh được trao học bổng Odon Vallet, quỹ học bổng do nhà vật lý người Pháp gốc Việt – Giáo sư Trần Thanh Vân – thành lập dưới sự tài trợ của tỷ phú Pháp Odon Vallet.
Nữ sinh Phùng Thị Ánh (Ảnh: NVCC).
Không chỉ xuất sắc với môn hóa, Phùng Thị Ánh còn khiến thầy cô bất ngờ và tự hào khi giành chứng chỉ tiếng Trung HSK 5 với mức điểm 241/300 nhờ tự học.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng nữ sinh người Nùng Phùng Thị Ánh.
Ước mơ vào đại học tốp 4 Trung Quốc
Em mất bao nhiêu thời gian để chinh phục chứng chỉ tiếng Trung HSK 5? Em có thể chia sẻ bí quyết học tiếng Trung của mình được không?
– Em mất hơn một năm để đạt được HSK5. Mới đầu, em học tiếng Trung tại trung tâm đến HSK 4. Sau đó em tự học để luyện thi HSK 5.
Em không có bí quyết gì đặc biệt. Để thi HSK thì từ vựng rất quan trọng nên cần chịu khó học từ, tiếp theo mới là ngữ pháp. Nếu mình hiểu rõ nghĩa của từ rồi thì sử dụng ngữ pháp cũng đơn giản hơn. Và tất nhiên là để thi được điểm tốt, mình cần luyện thật nhiều đề.
Mục đích học HSK của Ánh là xét tuyển đại học sớm hay du học Trung Quốc?
– Em hướng đến cả hai mục tiêu. Hiện tại em theo đuổi ngành truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao. Ước mơ của em là trở thành một chuyên viên truyền thông và sáng tạo nội dung.
Truyền thông quốc tế là một nghề rất năng động, được tự do sáng tạo với tư duy rộng mở. Học viện Ngoại giao là ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu ở lĩnh vực này.
Phùng Thị Ánh (đứng thứ 6 từ phải qua) chụp hình kỷ niệm với GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Thanh Vân trong lễ trao học bổng Odon Vallet 2023 tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Song song với đó, em cũng đặt mục tiêu du học và sẽ nộp hồ sơ xin học bổng của Chính phủ Trung Quốc vào năm 2024. Em mong muốn có thể vào được Đại học Giao thông Thượng Hải – đại học thuộc tốp 4 trường hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên em chưa đủ tự tin để khẳng định có thể đỗ hay không.
Nếu như không đạt, em sẽ nộp hồ sơ xin học bổng ở bậc học cao hơn sau này.
Có niềm đam mê với tiếng Trung, tại sao em không tập trung cho riêng môn học này mà vẫn theo đuổi cùng lúc môn hóa học?
– Em yêu thích môn hóa từ cấp 2. Khi chưa học hóa, em thường nghe mọi người than thở rằng học hóa khó lắm. Điều đó khiến em tò mò và muốn thử chinh phục bộ môn này.
Sau khi tiếp xúc nhiều và hiểu rõ hơn, em cảm thấy mình ngày càng yêu hóa học. Em được vào đội tuyển thi học sinh giỏi hóa cấp tỉnh năm lớp 9. Đáng tiếc là em không đạt giải nhưng chính điều đó lại trở thành động lực để em quyết tâm gắn bó với hóa học khi lên cấp 3.
Với em, tiếng Trung không phải môn học mà là một hành trang mà mình cần có để chinh phục các mục tiêu trong học tập. Do đó, em không cảm thấy bị phân tán sự tập trung khi học cả hóa học và tiếng Trung.
Với em, mỗi môn học có một sức hút riêng. Sức hút đó vừa đến từ môn học, vừa đến từ những mục tiêu chinh phục của mình. Học một môn học có sức hút thì không bao giờ nhàm chán và cũng không thấy mệt.
Thức dậy lúc 5h30, một ngày học chỉ kết thúc vào 1h sáng
Để có thể chinh phục nhiều mục tiêu cùng lúc, em bố trí lịch học tập và sinh hoạt như thế nào?
– Một ngày của em bắt đầu từ 5h30 sáng để làm các công việc cá nhân. Giờ học chính khóa buổi sáng từ 7h15 đến 11h30. Giờ tự học tại trường buổi chiều từ 14h đến 17h. Giờ tự học buổi tối kéo dài 3 tiếng rưỡi từ 19h đến 22h30.
Em chia thời gian 1 tiếng rưỡi học toán, 1 tiếng học văn và 1 tiếng học tiếng Trung. Sau đó, em nghỉ 30 phút để vệ sinh cá nhân và dành 1 tiếng để học các môn theo thời khóa biểu của ngày hôm sau.
Từ 0h-1h sáng, em học HSK. Em duy trì và tuân thủ theo lịch học này của mình.
Những lúc rảnh rỗi, em thích được nghe nhạc hoặc tranh thủ nghỉ ngơi.
Tự học từ 6-8 tiếng mỗi ngày và chỉ ngủ 4,5 tiếng mỗi đêm, em có cảm thấy căng thẳng và áp lực không?
– Em đã quen với nhịp độ học tập này kể từ khi vào cấp 3 nên không áp lực. Hơn nữa, bạn bè em cũng đều đang học với cường độ đó. Để có thể vào được các trường đại học tốt ở trong nước, chúng em không có cách nào khác ngoài việc phải chăm chỉ và nỗ lực.
15 tuổi đã phải xa nhà, không có bố mẹ ở bên và sống cuộc sống tự lập tại thành phố Lạng Sơn, em gặp những khó khăn gì?
– Khi bắt đầu bước chân vào mái trường nội trú ở tuổi 15, em khá là bỡ ngỡ, chưa thích nghi với môi trường sống và nhớ nhà. Tuy nhiên các bạn ở đây đều rất hòa đồng và thân thiện nên em cũng nhanh chóng hòa nhập.
Các thầy cô cũng rất quan tâm chúng em, tạo mọi điều kiện cho chúng em tập trung vào học tập. Chi phí học tập sinh hoạt của chúng em được nhà nước chu cấp nên cũng giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ ở quê nhà.
Ngoại hình xinh xắn của Phùng Thị Ánh trong trang phục đời thường (Ảnh: NVCC).
Mong muốn của em sau khi học xong đại học là gì?
– Em là một người Nùng ở thôn Quang Bí, xã An Sơn, huyện Văn Quan, Lạng Sơn. Em thấy quê hương mình rất đẹp. Em đã từng được xuống Hà Nội chơi và rất ấn tượng với sự phát triển của Hà Nội
Em mong muốn sau này sẽ được góp phần vào thực hiện các chương trình quảng bá hình ảnh quê nhà xứng đáng với các giá trị và tiềm năng hiện có để từ đó thu hút đầu tư, phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của tỉnh Lạng Sơn.
Em cũng có một tham vọng khác là hỗ trợ người dân khởi nghiệp. Tất nhiên đó là khi em đã thành công trong sự nghiệp của mình.
Cảm ơn em về cuộc trò chuyện này!
Dantri.com.vn