Lee Hanbyeol giành giải nhất khi nói về “Người Việt Nam trong con mắt hài hước của người nước ngoài”, trong cuộc thi hùng biện tiếng Việt của Đại học Hà Nội.
Tối 12/9, vòng chung kết Cuộc thi hùng biện tiếng Việt dành cho sinh viên nước ngoài diễn ra tại trường Đại học Hà Nội, với 8 thí sinh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Từ 19h, hội trường nhà A1 với hơn 400 chỗ ngồi đã chật kín sinh viên Việt Nam và quốc tế tới cổ vũ. Khán giả tới đông khiến ban tổ chức phải kê thêm ghế ở các lối đi.
Vòng chung kết diễn ra với hai phần thi tài năng và hùng biện. Phần thi tài năng đa dạng các tiết mục từ Rap, biểu diễn Taekwondo, múa Trung Quốc, nhảy hiện đại đến hát quan họ.
Chen QuangLun người Trung Quốc khuấy động không khí bằng bài rap “Về quê”. Còn Atarashi Saku gây ấn tượng khi hát quan họ “Mời nước mời trầu”. Cô gái Nhật Bản đội mấn, mặc yếm, áo the cất lên làn điệu dân ca quan họ mượt mà khiến ban giám khảo cùng khán giả thích thú. Vừa hát, Atarashi vừa bưng cơi trầu xuống giao lưu mời mọi người.
Nữ sinh cho biết đã tập tiết mục này trong hai tuần, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo. Atarashi thậm chí còn thử ăn trầu và bị say nhưng thích vì môi đỏ và má hồng hào.
Phần hùng biện cho thấy khả năng tiếng Việt lưu loát của các thí sinh qua việc trình bày những chủ đề khó như văn hóa ăn trầu của người Việt, ngày lễ Vu lan báo hiếu, Hà Nội 36 phố phường…
Là người thi cuối cùng, phần nói về “Người Việt Nam trong con mắt hài hước của người nước ngoài” của Lee Hanbyeol khiến cả hội trường nhiều lần bật cười vì sự dí dỏm, duyên dáng.
Lee kể khi mới sang Việt Nam, em thấy lạ vì thấy mọi người bắt chuyện thân mật và hỏi về tuổi tác.
“Mỗi lần em đi chợ với mẹ, cô bán hàng hỏi: ‘Cháu xinh gái nhỉ, có người yêu chưa? Cô có con trai 35 tuổi chưa kết hôn này, có cưới giai Việt Nam không?”, Lee kể.
Nhiều lần Lee đi cùng mẹ, người bán hàng còn nhầm em là phiên dịch cho bà chủ vì thấy nói tiếng Việt trôi chảy. “Em đi với bố thì người ta lại hỏi bố là người Hàn, mẹ người Việt à?”, Lee cười vui vẻ, thấy thú vị với sự hài hước của người Việt.
Bài nói tự nhiên, gần gũi đã giúp Lee giành giải nhất, với giải thưởng hai triệu đồng.
“Em quá vui. Trên sân khấu, em đã rất run”, Lee nói, cho hay chuẩn bị bài hùng biện trong hai tiếng. Em theo gia đình sang Việt Nam sống cách đây vài năm nên có nhiều cơ hội tiếp xúc và quen với việc sử dụng tiếng Việt.
Atarashi Saku, cô gái hát quan họ giành giải nhì.
Dưới hàng ghế khán giả, Phạm Hồng Nhung, tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung, bày tỏ sự ngưỡng mộ. “Em không nghĩ đó là bài nói của người nước ngoài. Các du học sinh có khả năng hùng biện tốt, phát âm chuẩn”, Nhung nhận xét.
Đại học Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo thu hút nhiều sinh viên quốc tế nhất. Trường hiện có khoảng 700 sinh viên quốc tế, đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm ngoái, trường này cho biết sinh viên quốc tế đóng góp 8-10% vào tổng thu của nhà trường.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng khoa Việt Nam học, hàng năm, nhà trường tổ chức sân chơi cho lưu học sinh với các tên gọi khác nhau như Nói tiếng Việt giỏi, Hùng biện tiếng Việt với mục đích gắn kết các sinh viên quốc tế với nhau và sinh viên quốc tế với sinh viên Việt Nam.
Cuộc thi không chỉ dành riêng cho sinh viên quốc tế của khoa Việt Nam học mà còn các khoa khác của trường. Đây là dịp để các em thể hiện khả năng tiếng Việt, tình cảm với đất nước, con người Việt Nam.
“Cuộc thi cũng giúp tìm ra những gương mặt đại diện cho trường tại kỳ thi cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 11 tới”, cô Xuân nói.
Bình Minh