Với 47/48 môn điểm A, Hà Ninh không chỉ nhận bằng sớm nửa năm, mà còn đứng đầu trong số hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp sớm của Đại học Ngoại thương.
Trương Thị Hà Ninh, 22 tuổi, quê Hải Phòng, là sinh viên lớp Pháp 1, chương trình Kinh tế đối ngoại. Hôm 21/4, cô cùng 1.000 sinh viên tốt nghiệp sớm tham dự lễ tốt nghiệp đợt 1 của trường.
Với điểm trung bình học tập 3,98/4, điểm rèn luyện 96/100, Ninh là sinh viên có kết quả cao nhất đợt này.
“Mình tự hào vì đã hoàn thành chương trình đại học với kết quả ngoài mong đợi”, Hà Ninh nói.
Hà Ninh cho biết được học tiếng Pháp từ năm lớp 1 theo chương trình song ngữ, duy trì tới hết THPT. Gắn bó với tiếng Pháp từ nhỏ, Ninh xác định đây là lợi thế của mình, nên muốn chọn một trường đại học có đào tạo tiếng Pháp, đồng thời mạnh về kinh tế – lĩnh vực cô yêu thích.
“Ngoại thương là lựa chọn phù hợp nhất”, Hà Ninh nói về lựa chọn cách đây 4 năm. Cô trúng tuyển nhờ đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp.
Dù từng nghe nói sinh viên Ngoại thương cá tính, không ngại thể hiện bản thân, Ninh vẫn sốc. Những tiết học đầu tiên, khi các bạn chia sẻ mong muốn và dự định của bản thân sau 5 năm, Ninh không dám nói, sợ bị cười.
Thấy bản thân nhút nhát, Ninh sợ về lâu dài sẽ lạc lõng nên quyết tâm thay đổi. Hoạt động đầu tiên mà nữ sinh tham gia là Icebreakers (phá băng), nhằm cải thiện khả năng giao tiếp. Sau đó, Ninh ứng cử làm lớp trưởng để thêm cơ hội kết nối với bạn bè, thầy cô.
“Dần dần, mình tự tin và không còn sợ khi nói trước đám đông nữa”, Ninh chia sẻ. “Lời động viên của một người bạn gần như trở thành châm ngôn sống của mình, đó là muốn biết người khác có đồng ý với mình hay không, thì mình phải nói đã”.
Hà Ninh cũng đặt mục tiêu tốt nghiệp sớm nửa năm để có thời gian làm hồ sơ du học thạc sĩ. Do đó, cô đăng ký học vượt 2-3 môn mỗi kỳ, dù có khi phải học ca muộn, từ 17 tới 20h.
Môn đầu tiên Ninh học là Kinh tế vĩ mô. Mọi thứ từ kiến thức, cách dạy, cách học đều mới mẻ, nên Ninh loay hoay. Sau đó, nữ sinh tìm đến bố, đang làm việc ở một đại học, nhờ tư vấn.
“Bố động viên mình cần cầu thị, không ngại hỏi, kể cả bạn bè hay thầy cô, vậy mới học được kiến thức mới”, Ninh nhớ lại.
Cô áp dụng lời khuyên của bố, không chỉ trong môn Kinh tế vĩ mô mà còn ở mọi môn học. Những phần chưa hiểu, Ninh chủ động hỏi bạn bè, cùng học nhóm để chữa lỗi. Nếu vẫn chưa giải quyết được bài, cô sẽ tìm giảng viên để trao đổi.
Vì đã chú ý và nắm chắc kiến thức trong quá trình học, đến giai đoạn ôn thi, nữ sinh chủ yếu học nhóm, tìm ví dụ thực tiễn cho các câu hỏi.
Nhờ vậy, Hà Ninh có 47/48 môn đạt điểm A (8,5-10 điểm). Môn duy nhất mà nữ sinh đạt điểm B là Pháp luật đại cương, học vào kỳ II năm thứ nhất. Ninh cho biết thời điểm đó, trường Ngoại thương mới chuyển sang học và thi online vì Covid-19 nên cô bắt nhịp chưa tốt.
Ngoài học trên lớp, Hà Ninh còn tham gia nghiên cứu khoa học. Cô thường phát triển ý tưởng nghiên cứu từ đề tài tiểu luận hoặc bài tập hết môn, tâm đắc nhất với bài về bảo hiểm xuất khẩu ở Việt Nam. Bài này được đăng trên Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế (SR-ICYBER) năm 2023.
Việc này giúp Ninh học được kỹ năng phân tích và tổng hợp dữ liệu, cấu trúc một bài nghiên cứu. Nhờ vậy, khi làm khóa luận tốt nghiệp về vận tải container thủy nội địa tuyến Hải Phòng – Bắc Ninh, cô biết rõ các đầu việc cần làm. Kết quả, khóa luận của Ninh được chấm 9,2 điểm.
Để duy trì khả năng tiếng Pháp, Ninh tham gia Câu lạc bộ tiếng Pháp của trường, hỗ trợ dạy tiếng Pháp cho bạn bè và dự thi các cuộc thi. Năm 2022, cô giành giải nhì cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ với bài viết về hành trình bản thân đến với tiếng Pháp, cảm xúc và suy nghĩ của mình về vai trò của ngôn ngữ này trong đời sống.
Thạc sĩ Nguyễn Diệu Thái, Phó trưởng khoa Tiếng Pháp, trường Đại học Ngoại thương, nhận xét học trò “rất yêu tiếng Pháp”, có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ này, các kỹ năng đều tốt. Cô còn ấn tượng với Hà Ninh ở sự tinh tế, biết gắn kết và động viên bạn bè trong lớp.
“Tôi không thường xuyên bắt gặp một sinh viên vừa giỏi, lại hiếu lễ như Hà Ninh”, cô Thái nói.
Trước khi tốt nghiệp, Ninh đã ứng tuyển ngành Kinh doanh quốc tế tại ở Anh và Pháp. Cô cho biết có một số trường phản hồi và đang cân nhắc các lựa chọn, trước khi lên đường du học vào tháng 9 năm nay.
“Mình hơi tiếc vì quãng đời sinh viên đã kết thúc, nhưng cũng hào hứng vì sắp bước vào hành trình mới”, Ninh nói.
Thanh Hằng