Kể về cách vượt qua mặc cảm khi bị chê béo phì, da đen, cũng như quá trình thay đổi nhận thức với tư duy triết học, Như Phúc giành suất vào đại học top 10 thế giới.
Cao Hoàng Như Phúc nhận tin trúng tuyển ngành Triết học tại Đại học California, Berkeley (UC Berkeley), chiều 31/3. Đây là trường đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2024, theo QS.
Trước đó, nữ sinh lớp 12E chuyên Anh của trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước, nhận được thư mời nhập học của 11 trường khác, đều thuộc top 50 của Mỹ và Canada. Trong đó, nổi bật là Đại học Toronto (top 1 Canada), California Los Angeles (top 15 Mỹ), Florida, California San Diego và California Davis (đồng hạng 28 Mỹ).
Ngày mới vào lớp 10, Như Phúc đã đọc nhiều tài liệu và xem video về Triết học, tập phân tích sự kiện dưới góc nhìn của Triết học phương Tây hiện đại. Em cảm nhận được sự gần gũi của môn học này với những vấn đề xã hội, ví dụ như nạn phân biệt chủng tộc hay sự kỳ thị. Triết học còn giúp em rèn luyện kỹ năng tư duy và phân tích tốt, để phát triển bản thân sau này.
“Em từng đọc về một người phụ nữ trở thành giáo sư Triết học sau ám ảnh bị xâm hại tình dục năm 13 tuổi. Cách cô vượt qua khó khăn cũng là một vấn đề triết học”, Như Phúc nói, đánh giá nhiều đại học Mỹ có thể mạnh về lĩnh vực này nên bắt tay chuẩn bị hồ sơ du học từ giữa năm lớp 11.
Phúc nói em từng có trải nghiệm bị kỳ thị ngoại hình trong quá khứ. Nữ sinh bị mọi người, bạn bè trêu vì béo, làn da đen ngăm và nhiều mụn. Khi đó, mọi người thường nhắc khéo em sử dụng kem chống nắng, dưỡng da nâng tone hay giảm cân khiến nữ sinh mặc cảm và cố gắng che giấu bản thân. Nhưng khi ở với chị gái, tiếp xúc với nhiều bạn bè ở thành phố lớn, Phúc nhận ra mình không có lỗi và không đáng bị trêu chọc.
“Em làm một dự án cộng đồng, đăng loạt bài viết trên mạng xã hội để truyền thông điệp với mọi người xung quanh rằng sự độc đáo và cá tính riêng của mình mới là điều khiến bản thân trở nên xinh đẹp, không phải màu da hay ngoại hình”, Phúc nói.
Đây cũng chủ đề mà Phúc lựa chọn cho một trong bốn bài luận nộp vào UC Berkeley. Đề bài của trường hỏi về sự đóng góp của cá nhân, khiến cộng đồng xung quanh trở nên tốt đẹp hơn, bên cạnh bảng điểm và hoạt động ngoại khóa.
Trong bài luận thứ hai hỏi về khả năng giải quyết vấn đề như một người lãnh đạo, Như Phúc kể lại quá trình xây dựng podcast, tổ chức diễn kịch về chủ đề tôn trong phụ nữ. Nữ sinh nhận thấy nhiều bạn nam để lại bình luận khiếm nhã về cơ thể và nhân cách của phái nữ, cho là mình có quyền được bàn luận như vậy. Phúc cùng các bạn trong nhóm muốn thay đổi nhận thức này.
Hai bài luận cuối cùng yêu cầu nữ sinh trình bày về năng lực đặc biệt và khó khăn lớn nhất từng đối mặt. Như Phúc chia sẻ về chuyến tình nguyện tại xã biên giới Đắk Ơ, giúp bản thân phát triển khả năng lắng nghe sâu và thử thách làm người hòa giải những trận cãi vã. Từng nhìn bố và chị gái cãi nhau, em đã viết thư, mong mọi người hiểu ra sự nóng nảy đôi lúc khiến tình cảm gia đình tổn thương.
“Bốn bài luận đã nói về quá trình thay đổi nhận thức, khẳng định bản thân là ai và giúp trường hiểu hơn về hành trình trưởng thành của em”, Như Phúc nói. “Đây cũng là một điểm phù hợp với ‘tinh thần’ triết học”.
Trong phần hoạt động ngoại khóa, ngoài những dự án tại trường học, nữ sinh kể về trải nghiệm thực tập và được đào tạo online tại hai công ty lớn trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ là JPMorgan và Accenture, hè năm lớp 11. Em tình cờ biết đến hai chương trình này khi tìm kiếm cơ hội thực tập trên mạng.
Trong phần hoạt động ngoại khóa, ngoài những dự án tại trường học, nữ sinh kể về trải nghiệm thực tập và được đào tạo online tại hai công ty lớn trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ là JPMorgan và Accenture từ hè năm lớp 11.
Tại JPMorgan, em tham gia làm nghiên cứu khách hàng, phân tích tiềm năng cho kế hoạch mở rộng kinh doanh. Còn ở Accenture, em nhận nhiệm vụ chăm sóc khách hàng và mô hình hóa tài chính.
Để làm được việc, Như Phúc phải nhờ sự trợ giúp của gia đình và chị gái học thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Khó khăn lớn nhất với nữ sinh là cân bằng thời gian những hoạt động này với việc học.
“Nhiều đêm em phải thức trắng, có lần mất tới hai ngày để hoàn thành một báo cáo. Nhưng đổi lại em được tiếp xúc nhiều với mọi người ở nhiều quốc gia, tăng kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian và kinh nghiệm làm việc”, Như Phúc chia sẻ.
Cô Hồ Thúy Hằng, giáo viên ôn luyện đội tuyển tiếng Anh thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Bình Phước, nói Như Phúc là học sinh hiếm hoi trong lịch sử trường chuyên Quang Trung đỗ đại học top đầu tại Mỹ. Trước đó, nữ sinh hai lần đạt giải ba thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, điểm trung bình ba năm học luôn trên 9,6, điểm SAT đạt 1.490/1.600.
“Phúc có năng lực vượt trội. Chỉ cần đặt mục tiêu là em ấy có thể làm được”, cô Hằng đánh giá.
Hỗ trợ Phúc trong quá trình làm hồ sơ, Đinh Tiến Đạt, 22 tuổi, sáng lập Arinet Education, nhận thấy nữ sinh có tính kỷ luật cao. Mặc dù bận ôn thi học sinh giỏi, Phúc vẫn sắp xếp tham gia các hoạt động xã hội và làm chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh tại trường.
“Điểm sáng và khác biệt trong hồ sơ của Phúc là bài luận”, Đạt đánh giá. “Khi viết luận, em ấy biết cách xâu chuỗi những bài học và trải nghiệm trong cuộc sống để thể hiện bản ngã riêng của mình”.
Như Phúc nói chuẩn bị hồ sơ du học là một hành trình dài, cần sự đầu tư và nghiêm túc. “Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó, em tin rằng mình có thể đạt được điều mong muốn khi nỗ lực đủ nhiều”, nữ sinh cho hay.
Nữ sinh muốn nhập học UC Berkeley, dự tính làm thêm để trang trải sinh hoạt và giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Song em cũng muốn chờ thêm kết quả hỗ trợ tài chính từ Đại học Toronto, trước khi đưa ra quyết định.
“Trong tương lai, em sẽ học tiếp lên Thạc sĩ ngành Luật”, Phúc chia sẻ.
Doãn Hùng