Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) từng đoạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2000, trở thành nữ sinh thứ 11 của Việt Nam đoạt huy chương trong lịch sử.
Sau đó, chị chọn học ở ĐH Bách khoa Hà Nội, chương trình Tài năng ngành Điện tử Viễn thông. Một năm sau, PGS Lê nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản, theo học Đại học Tokyo ngành Điện tử thông tin, tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và được tuyển thẳng vào hệ thạc sĩ.
Khi học tiến sĩ, PGS Lê tiếp tục gặt hái nhiều thành tích như sinh viên xuất sắc nhất Viện Tin học Nhật Bản năm 2018, có bài báo xuất sắc tại các hội thảo khoa học.
Với hồ sơ cá nhân ấn tượng như vậy, nhiều người bất ngờ khi chị từ chối cơ hội trở thành giảng viên tại một trường đại học ở Nhật Bản để quay trở về Việt Nam.
Trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Tin học Quốc gia Nhật Bản, chị Phi Lê nhận được lời giới thiệu từ vị giáo sư hướng dẫn cho vị trí giảng viên của một trường đại học ở Osaka (Nhật Bản). Đây là một cơ hội hiếm có, nữ giáo sư khuyên chị nên cân nhắc.
Nếu ở lại, chị biết chắc chắn sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với các điều kiện đãi ngộ rất tốt. Nhưng thời điểm ấy, có nhiều điều khiến chị suy nghĩ.
“Nhìn nhận thẳng thắn, những việc tôi có thể làm nếu ở lại Nhật Bản có lẽ rất nhiều người khác cũng làm được. Còn tại Việt Nam, số lượng giảng viên thực sự theo đuổi con đường nghiên cứu và dành thời gian, tâm huyết dẫn dắt, truyền đam mê cho người trẻ lại không nhiều. Do đó, nếu trở về nước, tôi có thể giúp các em sinh viên khám phá, phát huy khả năng nghiên cứu của bản thân”.
Một lý do khác, theo chị, mặc dù trở về sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nếu chịu khó thu xếp, ở Việt Nam cũng có thể làm nghiên cứu được.
“Ngành Công nghệ thông tin khác biệt so với một số ngành khác là có thể làm việc từ xa và không quá phụ thuộc vào vật liệu, máy móc đắt tiền. Tất nhiên, điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam có thể không bằng nước ngoài, nhưng tôi luôn tâm niệm, dù trong hoàn cảnh cũng cần cố gắng hết sức để làm tốt nhất trong hoàn cảnh đó”.
Nghĩ vậy, năm 2019, chị quyết định về nước sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ. Giai đoạn đầu, nhóm nghiên cứu của chị chưa được nhiều người biết đến. Chị Lê thừa nhận, khó khăn lớn nhất ở giai đoạn đó chính là con người.
Vì thế, nữ giảng viên nỗ lực đưa thông tin đến sinh viên, tìm kiếm, phát hiện và quy tụ những em có tố chất phù hợp với việc nghiên cứu để đưa vào nhóm nghiên cứu.
Trong giai đoạn này, nhóm của chị Lê tập trung vào các bài toán liên quan tới Internet vạn vật (IoT), cụ thể là ứng dụng Học tăng cường vào các bài toán tối ưu hóa năng lượng trong mạng cảm biến không dây.
Sau một thời gian làm các bài toán mang tính lý thuyết, PGS Lê chuyển hướng, tập trung nhiều hơn vào các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giải quyết trực tiếp các bài toán có ảnh hưởng lớn đối với xã hội như môi trường, y tế.
“Càng làm nghiên cứu, tôi càng thấu hiểu rằng “mục đích cao nhất của khoa học là phụng sự con người”. Do đó, tôi muốn tham gia vào những nghiên cứu giải quyết được bài toán thực tế của đất nước”, chị Lê nói.
Hiện tại, PGS Lê là chủ nhiệm của một đề tài về môi trường thông minh và là thành viên chính trong một đề tài về chăm sóc sức khỏe thông minh.
Từ con số 0, giờ đây nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Phi Lê đã quy tụ được nhiều sinh viên tài năng của Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội với số lượng đều đặn hàng năm khoảng 30 người. Một điều đặc biệt, tỷ lệ sinh viên học lên sau đại học ở lab của chị luôn thuộc nhóm đông nhất trường.
số sinh viên thời gian đầu không có ý định học tiếp sau đại học mà chỉ xin vào lab để làm quen với nghiên cứu. Tuy nhiên sau một thời gian, các em đã đổi hướng và quyết định học tiếp.
Cũng có những sinh viên có năng lực nghiên cứu nhưng chưa được “đánh thức” và phát huy khả năng, khi tham gia nghiên cứu cũng dần yêu thích và mở rộng thêm định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Đến giờ, một điều khiến PGS Lê tiếc nuối là quãng thời gian ở Nhật, chị chỉ tập trung cho việc học nên không có nhiều trải nghiệm bên ngoài. “Khi ấy, tôi quan niệm rằng đã học thì phải học cho thật nghiêm túc. Vì thế trong suốt 28 năm, tôi chỉ biết học và học”.
Đến giai đoạn sau khi xong thạc sĩ ở Đại học Tokyo, vì muốn thử đổi sang môi trường doanh nghiệp, PGS Lê “ngắt quãng” không tiếp tục học lên tiến sĩ ngay mà quay trở về Việt Nam, vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Viettel.
Tuy nhiên thời điểm đó, môi trường nghiên cứu nói chung ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, trong khi chị lại yêu thích những việc phải sử dụng tư duy và sự sáng tạo cao. Vì thế sau một thời gian ngắn, chị Lê quyết định quay trở lại ĐH Bách khoa Hà Nội – nơi chị đã học tập – để nghiên cứu và giảng dạy.
“Thời gian đầu quay lại Bách khoa, tôi vẫn “túc tắc” nghiên cứu. “Khoảng nghỉ” này đã cho tôi thêm thời gian để tích lũy và tiếp cận những bài toán thực tế. Nhờ đó, lúc nào tôi cũng có sẵn các bài toán cho mình và liên tục suy nghĩ về định hướng lời giải. Quá trình học tiến sĩ của tôi vì thế cũng diễn ra thuận lợi hơn”.
Trên chặng đường làm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Phi Lê luôn cảm thấy biết ơn quãng thời gian theo học chuyên Toán tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn.
“Một số ý kiến cho rằng tại sao chúng ta phải học tích phân, đạo hàm, những kiến thức ấy sau này có dùng vào thực tiễn đâu. Tôi cho rằng quan điểm này có phần hơi phiến diện. Thực tế, rất nhiều ngành khoa học ứng dụng cần tới những kiến thức như vậy.
Thực tế, Toán học và các môn khoa học cơ bản không chỉ giúp chúng ta có nền tảng kiến thức để tiếp cận các ngành khoa học ứng dụng mà còn giúp chúng ta trong việc phát triển khả năng tư duy logic. Một người có khả năng tư duy tốt, không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà khi gặp các vấn đề trong cuộc sống cũng sẽ có khả năng giải quyết nhanh, biết cách kết nối các vấn đề với nhau để có cái nhìn tổng quát”.
Với PGS Lê, quãng thời gian học Toán tập trung đã rèn cho chị tính kiên trì và không đầu hàng khi gặp một bài toán khó. Thay vì bỏ cuộc, chị thường cố gắng tìm mọi cách để giải quyết bài toán ấy dù có thể phải mất vài ngày, thậm chí vài tuần.
“Lúc nào, tôi cũng mang trong đầu câu hỏi về những điều mình còn băn khoăn và mong muốn giải quyết bằng được. Điều đó đã trở thành thói quen và giúp ích rất nhiều cho tôi trên con đường làm nghiên cứu khoa học.
Tôi nghĩ rằng, khi làm nghiên cứu, ngoài việc cần phải làm nghiêm túc, chăm chỉ, kỷ luật, nếu không có tính tò mò và ham muốn giải quyết vấn đề đến tận cùng cũng sẽ rất khó để thành công”, PGS Lê nói.
Thúy Nga
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Nguyễn Cúc
Vietnamnet.vn