Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức vào ngày 17-18/5 (thứ Bảy và Chủ nhật). Đến thời điểm hiện tại, có 22 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, thí sinh được đăng ký thi các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Mỗi trường đại học quy định số lượng và tổ hợp môn thi khác nhau để lấy kết quả thi, xét tuyển vào các ngành đào tạo. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để đăng kí đúng và đủ số môn thi, phù hợp với nguyện vọng xét tuyển.
Đặc biệt, từ năm 2026, dự kiến kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Nội dung các bài thi tương ứng với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá của Bộ GDĐT.
Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài thi, đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp tại phòng thi, trả lời các câu hỏi bằng cách tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm và viết trên tờ giấy thi. Các dạng câu hỏi và cách thức trả lời cụ thể như sau:
Tương tự, để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có nhiều điểm mới.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho biết, dạng thức và câu hỏi, đề thi được điều chỉnh phù hợp với Chương trình GDPT 2018, thay đổi về chất lượng câu hỏi thi Đánh giá năng lực học sinh. Câu hỏi trong đề thi có khoảng trên 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn.
Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Cũng từ năm 2025, bên cạnh phần thi Khoa học, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực có thêm phần thi tiếng Anh để thí sinh đăng ký các ngành học liên quan ngoại ngữ có thể lựa chọn để phục vụ cho công tác xét tuyển.
Dự kiến kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được tổ chức 6 đợt tại 19 địa điểm thi, và mở cổng đăng ký dự thi vào ngày 8/2/2025. Hiện tại, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2025 làm căn cứ cho thí sinh ôn tập.
Còn tại ĐH Quốc gia TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, kỳ thi năm nay sẽ có những điều chỉnh về cấu trúc đề thi để phù hợp với sự thay đổi của chương trình mới. Những điều chỉnh này sẽ kéo theo những thay đổi trong cách thức xét tuyển các trường đại học từ kết quả kỳ thi này trong năm sau.
Với kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, GS.TS Vũ Duy Hải – Trưởng ban Tuyển sinh và Hướng nghiệp thông tin, về cơ bản, kỳ thi giữ ổn định về cấu trúc, nội dung và hình thức thi như những năm trước.
Tuy nhiên cũng có một số thay đổi về công nghệ nhằm giúp hỗ trợ thí sinh làm bài thi tốt hơn và thuận tiện trong việc nộp hồ sơ xét tuyển đại học.
Đặc biệt, với bài thi năm 2025, những kiến thức trong chương trình cũ, nếu không xuất hiện trong chương trình mới thì cũng sẽ không xuất hiện trong bài thi đánh giá tư duy. Ngân hàng câu hỏi sẽ được rà soát và điều chỉnh, để đảm bảo bám sát chương trình GDPT 2018. Những câu hỏi có chứa kiến thức không có trong chương trình mới sẽ được loại bỏ.
Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng sẽ cung cấp các bài thi online trên hệ thống thi thử của kỳ thi đánh giá tư duy để thí sinh trải nghiệm, luyện kỹ năng làm bài cũng như có một nguồn ôn tập chính thống trước khi thi thật.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-diem-moi-trong-cac-ky-thi-rieng-vao-dai-hoc-tu-nam-2025-post1137398.vov